Câu chuyện họa hình ở Sài Gòn
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Giỏ hàng (
)
che-thai-nguyen_tra-thai-nguyen_tan-cuong_bn

Câu chuyện họa hình ở Sài Gòn

Trà Thái NguyênSÀI GÒN … AI HỌA HÌNH KHÔNG.

Mỗi lần Sài Gòn có hội chợ sách, thành phố bỗng rộn rã hơn đôi ba ngày so với cái rộn rã thường có.

Những bạn trẻ vốn thường ngày thích đọc truyện online, nghe “sách nói” cũng rủ nhau đi hội sách. Đi – thứ nhất là để hòa vào không khí dễ thương mà phải hai năm một lần mới có ở thành phố này; thứ hai là để có những giờ phút sống cùng giữa bao nhiêu là sách, nghe mùi giấy mới thơm thơm, tận hưởng cảm xúc đọc thật chậm từng con chữ, tưởng như trước mặt là hoa nở, là chim hót, là những ngọn sóng mạnh mẽ trào dâng. Những người có tuổi lại trải nghiệm khác ở những lần có hội chợ sách. Những ánh mắt như trẻ lại khi tìm được quyển sách cũ yêu thích. Những đôi tay hơi run mở từng trang sách mới xuất bản, đọc một vài trang đầu trước khi mua.

bao_ngoc_tra_6501

 

Và ở hội sách ấy, nhiều bạn trẻ, cũng không ít người có tuổi lại thích thú vô cùng với những họa sĩ vẽ chân dung theo yêu cầu của người đi hội sách. Trong ánh nắng sớm mai hay buổi chiều se se lạnh, những cô bé, cậu bé, những cô nàng, anh chàng tuổi đôi mươi, những người lớn tuổi … tất thảy đều không giấu được niềm vui thích dù phải ngồi yên để được họa hình.

Người kể chuyện trà cũng không khác đa số người đi hội sách Sài Gòn: cũng thích giở từng trang sách mới, cũng vui sướng vô cùng khi tìm được một quyển sách xưa. Và đặc biệt, lòng luôn vui ngắm những họa sĩ và người mẫu ở hội chợ sách ấy. Bởi những cảnh ấy, người nay luôn gợi nhớ về một thời để thương, để nhớ …

Là những tháng ngày chưa xa lắm đâu …

Khi mặt trời dần tắt trên mái ngói nhà, Tôi thường nghe tiếng xe đạp ngoài đầu ngõ. Thứ âm thanh ấy không có gì đặc biệt nếu so với những âm thanh khác được lưu giữ trong ký ức, như tiếng gà gáy trưa, tiếng loa phóng thanh đầu đường đọc những bản tin cũ rích, hay những bài ca trong mấy trò chơi con trẻ … Ấy vậy mà hễ cứ nghe tiếng xe đạp đầu ngõ ấy là tôi lại tìm mọi cách để ra khỏi nhà. Đâu đó trong hẻm, chiếc xe đạp ấy đang dựng sát tường. Ở đấy, người họa hình bày một cái ghế con, và bắt đầu họa hình cho một bà, một cô, một chị nào đó. Tôi thường bị cuốn hút bởi những bức hình ông họa sẵn dựng trong giỏ xe như một cách quảng cáo trực tiếp đến “khách hàng”. Bức hình đen trắng họa nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng với khuôn mặt hơi nghiêng (một kiểu tạo dáng khi chụp chân dung hồi ấy). Lúc ấy, tôi không thể biết gì hơn về người phụ nữ trong ảnh ngoại trừ một cái tên Thẩm Thúy Hằng - người đẹp Bình Dương. Tôi lại càng không biết gì về người họa hình loanh quanh từng xóm nhỏ thuở ấy. Chỉ biết rằng, tôi từng say sưa ngắm nhìn những hình mẫu của ông, tròn mắt thích thú theo từng nét bút cho đến khi chúng tạo thành một bức chân dung hoàn chỉnh. Thỉnh thoảng, ông dừng bút vẽ, uống ngụm nước (trà) chè Thái Nguyên mà người mẫu ảnh đã ân cần mời sau khi biết sở thích của ông. Và sau mỗi ngụm trà ấy, có cảm giác ông càng say sưa hơn trong từng nét bút. Cứ như tất cả những gì tinh hoa nhất đều dễ dàng toát ra theo làn khói ấm, theo hương thơm dịu nhẹ của trà.

Bao nhiêu năm trôi qua rồi, xe đạp chỉ còn rất ít trong thành phố, và, ở thành phố này, ta còn tìm đâu ra người họa hình lang thang hè phố. May ra còn vài ba tiệm có họa hình theo yêu cầu, mà thường họ chỉ họa lại những bức hình đã ố vàng vì thời gian. Kỹ thuật vi tính lên ngôi, người ta lại thi nhau quảng cáo ‘Sửa ảnh trên máy vi tính’ nên người họa hình còn mấy dịp?
Lang thang hội sách, nhìn ngắm những họa sĩ và người mẫu, mỉm cười, mà sao thấy nhớ không khí buổi chợ chiều với mặt trời khuất sau mái ngói, với những âm thanh phố phường quen thuộc, với chiếc xe đạp dựng sát tường và những bức hình họa được đặt gọn gàng trong giỏ xe …

Nhịp đời hối hả quá! Mấy ai còn mê mải với những bức họa chân dung trắng đen, để lắng nghe tiếng thời gian trải đều qua từng nét bút, để còn nhớ “Họa hổ - Họa bì – Nan họa cốt. Tri nhân – Tri diện - Bất tri tâm”.

CÂU CHUYỆN...NGÀY GIÁP TẾT

Có những những ngày giáp Tết cả nhà bộn bề một bãi chiến trường, nào cà chua, nào thơm, nào dừa, nào đậu ván, gừng, mè, ... cho ra đời bao nhiêu là mứt, lại còn lá chuối, lá dừa, gói bánh xanh xanh … Những bước chân tấp nập trong nắng bước qua cổng nhà hàng xóm, biếu cái này, gởi cái kia …


Hồi ấy …
Có năm, vài ba đứa bạn mắt hoe hoe quay mặt đi để khỏi nhìn những đứa khác tất bật chuẩn bị về nhà ăn Tết. Sáng ra tròng thêm cái áo khoác vào người rồi tong tả xách xe đi để khỏi nghe những đứa cùng phòng gọi về nhà ríu rít: hăm hai tháng chạp con về … Nhưng khi mặt trời khuất sau những mái nhà trọ buồn bã, có làm gì cũng không giấu được nỗi buồn một cái Tết xa quê. Có đứa trùm kín chăn khóc. Có đứa mặt buồn thiu, đăm đắm nhìn vào chồng bánh tráng còn vài cái mà má ở quê nhờ gửi vào cách đó không lâu. Sáng ra, lại tong tả xách xe đi làm, kiếm ít tiền sau Tết về đám giỗ ở nhà, hay tích lũy để mùa sau được về quê trọn một mùa Tết cùng ba má.


Bây giờ, đâu đó ở các thành phố lớn vẫn còn nhiều bạn trẻ chọn một cái Tết xa quê để gói ghém thêm được chút tiền cho năm mới. Và nỗi buồn những ngày tháng Chạp, tháng Giêng chắc cũng mang những dáng hình khác, những sắc thái khác. Bao nhiêu mùa mưa nắng rồi, bao nhiêu góc phố con đường ghế đá hàng cây lung linh sắc màu rồi … Chợ, siêu thị, những quán hàng "online" vẫn luôn đầy ắp đồ ăn thức uống sẵn sàng cho một cái Tết tinh gọn theo thời đại … Không còn nhiều những chộn rộn đón Tết. Và càng lớn, khi Tết đến, lại mang nhiều nỗi lo toan hơn, trăn trở hơn trước bộn bề cuộc sống.


Dù có thế nào, xuân vẫn rất gần rồi...
Chỉ là, như trong một buổi sáng thật hiền, rất đinh ninh rằng - những khoảnh khắc yên bình bên nồi bánh chưng sôi ùng ục, mấy viên kẹo chuối gừng mè đậm mùi vị thơm tho, những sớm mai canh bếp lửa đảo từng chảo mứt dẻo ngọt ngào, một ấm trà thoảng hương bay … - Sẽ không ai nỡ lấy đi cái bình yên ấy, nó vẫn in đậm trong ký ức của những người đã từng mang nó, dù phải đi qua bao nhiêu mùa mưa nắng...

TẾT…VỀ QUÊ

Có một thành phố đang náo nhiệt chợt thưa người và yên ả, y như cái buổi sáng nay, ngày 28 Tết. Sáng sớm ra đầu ngõ, chị bán bún bò đon đả hỏi:
- Sao chưa về quê vậy chú ?
- Dạ. Có quê đâu mà về chị
- Chú người ở đây hả ?
- Dạ. Sài Gòn
- Thương vậy, tui bán hết hôm nay rồi cũng lại về quê thôi…

Nghe hai chữ "Về quê" của chị mà bồi hồi đến lạ. Suốt bao nhiêu năm vẫn ở yên một chỗ, Tết đến lũ bạn lại về quê hết, chúng nó bỏ mình bơ vơ giữa thành phố rộng lớn thế này. Ấm trà hôm nay uống một mình, lại nhớ ngày xưa, thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường, lòng rưng rưng khi nghe câu hỏi:
"Quê hương là gì hở mẹ, mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hở mẹ, ai đi xa cũng nhớ nhiều…"
(Quê hương - Đỗ Trung Quân)

Cho đến hôm nay, hai từ "Quê hương" thì rộng lớn quá, vô ngần quá, chỉ dám hỏi một câu: Quê là gì hở mẹ, mà cứ mỗi độ xuân sang, lại có biết bao nhiêu người con rộn rã quay về. Ừ thì…quê là một nơi bình yên con đã sinh ra. Quê xa thành phố, cuộc sống ở quê mộc mạc, giản đơn và con người thì chân chất. Nhất là đã là quê… thì phải hơi quê quê… không có nhiều dãy nhà cao tầng và ánh đèn điện rực rỡ lung linh như thành phố.

Tôi cũng đã từng nghĩ về quê như thế, vậy Sài Gòn mình không phải là quê rồi. Có đủ tiêu chuẩn của quê đâu mà quê. Nó khô cằn quá, không có cái mát dịu của dòng sông và lũy tre làng như mấy đứa có quê. Cho đến khi có đứa bạn theo gia đình đi định cư ở Mỹ nhiều năm, mấy hôm trước chat với nhau, nó bảo:
- Năm nay tao về quê ăn tết, mày ạ.
- Mình giả đò hỏi: Ủa, quê mày ở đâu ?
- Nó cười bảo: Tao ở Sài Gòn chứ đâu mà hỏi…!
Thì ra là vậy, Sài Gòn cũng là quê mà. Thêm một ý nữa vào quê bạn nhỉ, Quê là nơi ấy ta thuộc về, nơi trái tim luôn khắc khoải nhớ mong, khi cành mai đã chớm điểm vàng khoe sắc. Không nhất thiết là phải hơi.. quê quê thương thương, như mình thường nghĩ.

Lại có đứa bạn về quê, gần Sài Gòn thôi, ở Long An ngay đây mà. Về hôm trước, hôm sau đã gọi:"Tao nhớ Sài Gòn mày ạ!". Không biết từ rất lâu rồi, Sài Gòn đã trở thành cái quê thứ hai của nó. Nhớ cái ngày đầu lên đây tìm việc, bơ vơ lạc lõng giữa một rừng người. Nhưng Sài Gòn đã dang tay đón nó, bảo ban nó, vỗ về và trui rèn nó thành một đứa cứng cáp như hôm nay. Không phải là cái quê thứ hai thì còn gì nữa…

Bắt đầu từ đêm nay thôi, Sài Gòn giăng đèn khắp các con phố. Mọi người đi rồi, về quê hết, thì Sài Gòn lại như một người tình bé nhỏ, nũng nịu, trang điểm thật đẹp cũng chỉ để được…quan tâm một tí mà! Thương thương lắm đó!
Và Tết này, tôi cũng đã đang ở trên quê mình đấy thôi!
Sài gòn tết quê tôi…chưa xa đã nhớ… là vậy!

Đánh giá

HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên

https://trathainguyen.net.vn

https://trathainguyentancuong.vn

https://trahoalai.vn

 


ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com

  • Văn Phòng Hà Nội: 603 Nguyễn Văn Giáp, Mỹ Đình, Hà Nội. 
Đang truy cập: 127
Trong ngày: 1116
Trong tuần: 3664
Lượt truy cập: 2265723
1
Bạn cần hỗ trợ?