Liên hệ làm Đại lý trà Thái Nguyên, ĐT 0944899009
Càng gần Festival trà Quốc tế - Thái Nguyên 2011, những nông dân vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) thấy lòng hồi hộp hơn. Bởi đó là những ngày vùng đất Tân Cương được đón tiếp những đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, thưởng trà và có thể ký kết những hợp đồng kinh tế lớn... 1. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cương Lương Văn Hoà phấn chấn bảo: Đây cũng là dịp người dân Tân Cương quảng bá thương hiệu chè của mình với bạn bè năm châu bốn biển. Cũng từ lúc này, bà con thường xuyên trao đổi với nhau về cách giao tiếp là làm như thế nào đó để thể hiện được lòng mến khách.
Cả Tân Cương thao thức. Song tôi nghĩ ở vùng chè nức tiếng cả nước này, người dân đã thao thức từ hàng chục năm nay. Ăn, ngủ... đều nghĩ tới chè, dù có đi xa tới đâu cũng tự hào về cây chè Thái Nguyên quê mình. Vì cây chè nuôi sống gần 1.400 gia đình ở 16 xóm thuộc Tân Cương. Nông dân xã Tân Cương thu hái chè Bà Hứa Thị Vượng, xóm Lam Sơn chỉ cho chúng tôi khu vườn chè có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là một khoảnh đất rộng hơn 1 ha, trước đây thuộc xóm Guộc, sau chia tách thành xóm Guộc và xóm Lam Sơn. 12 hộ dân có chè ở bãi này đều là người xóm Lam Sơn, như gia đình bà Vượng có hơn 4 sào, gia đình ông Phạm Văn Nhật có hơn 4 sào, gia đình ông Đỗ Ngọc Liên có gần 3 sào...
Trước đây, nông dân trồng theo kỹ thuật đều đặn hàng ngang, hàng dọc, cứ 1,5 m/cây, trông vuông vức như mắt sàng. Bấy giờ, cũng như nhiều miền quê khác trên đất nước Việt Nam, người nông dân Tân Cương trồng chè chủ yếu để sử dụng hằng ngày chứ chưa có chè mang bán. Vì thế cây chè được trồng thưa, đều mắt sàng là nhằm mục đích thuận lợi cho việc cày, bừa, chăm bón và trồng xen vào đó các loại cây màu như đỗ, lạc, đậu tương… Do chè cỗi, năng suất thấp, từ 3 năm nay bà con đã trồng dặm thêm cây lâm nghiệp, cây chè vì thế ớm khí trời, bỏ hoang. Nhìn lại “công trạng” thì bãi chè này đã cung cấp giống cho nhiều nông dân các xã Tân Cương, Phúc Trìu, Quyết Thắng... Ông Cao Xuân Đoan ở xóm Lam Sơn là một ví dụ. Hiện ông Đoan có hơn 8 sào đất trồng chè, trong đó có 4 sào lấy hạt giống từ bãi chè này, 4 sào đất còn lại ông trồng chè cành giống mới LDP1. Trong khi đưa chúng tôi đi thăm vườn chè của gia đình, ông Đoan cho biết: Tôi làm chè móc câu, loại chè trung du bán được từ 70.000 đồng đến 90.000 đồng/kg; chè cành LDP1 bán đuợc từ 150.000 đồng đến 180.000 đồng/kg. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư tôi có thu từ chè được 50 triệu đồng. Với người nông dân, đây là một khoản tiền không nhỏ. Nhưng để có được thì ông Đoan cũng như những nông dân vùng chè phải đổ vào đó nhiều lắm những mồ hôi, công sức.
Chuyện rằng, trước đây vùng đồi đất lấp xấp ở Tân Cương rậm rì cây cỏ, làng xóm thưa thớt dân cư, những người đàn ông phải thay nhau thức thâu đêm để canh chừng thú dữ vào bắt gà, lợn. Bên bếp lửa bập bùng, hoang vắng, khi ấy cũng chỉ có ấm trà làm bạn, giúp những người đàn ông tỉnh táo qua đêm dài. Cùng thời gian, làng xóm trên vùng đất Tân Cương sinh sôi, nhà cửa ngày một nhiều, và như một tập quán đẹp, hầu hết các cặp vợ chồng trẻ khi lập nghiệp đều dành một khoảnh đất trong vườn nhà để trồng chè, xao xấy khô dành pha nước đãi đằng khi có bạn đến thăm, vì thế cây chè ngày một phát triển nhiều trên vùng đất Tân Cương, nhất là trong khoảng thời gian từ gần 20 năm trở lại đây. 2. Để sản phẩm Trà Thái Nguyên trở thành một ẩm thực thông dụng như hôm nay, người dân vùng chè Tân Cương cũng phải chao đảo nhiều bởi một thời ngăn sông cấm chợ. Tiếng là người trồng chè song mỗi lần về xuôi thăm người thân cũng chỉ có được dăm ba lạng biếu cha mẹ. Đã vậy, người làm chè không biết bán cho ai, vì mang ra chợ, cơ quan chức năng thu trắng…
Cây chè vì thế èo uột, bị cỏ dại lấn lướt. Đến những năm 90 của trế kỷ trước, cơ chế chính sách của Nhà nước được thông thoáng hơn, người dân Tân Cương cũng bắt đầu chuyên tâm, gắn bó hơn với cây chè. Nhờ đó, hương chè Tân Cương được tỏa rộng khắp mọi miền đất nước. Ông Lương Văn Hoà tiếp tục câu chuyện. Với 350 ha chè kinh doanh, mỗi năm sản lượng chè của xã Tân Cương đạt hơn 1.000 tấn chè búp khô, tính giá bình quân 100.000 đồng/kg, thì mỗi năm người dân Tân Cương thu được 100 tỷ đồng từ cây chè... Ví như chè đinh, loại sản phẩm khi thu hái gồm nõn và 1 lá mới hé, chưa đánh hương, ngay bên bếp lò đã có giá bán hơn 3 triệu đồng/kg. Chè tôm 2, loại sản phẩm được thu hái nhẹ tay, gồm búp nõn và lá non có thời điểm bán được 600.000 đồng/kg. Phổ biến nhất vẫn là loại chè móc câu, gồm 1 tôm 2 lá, giá bán trung bình được hơn 70.000 đồng/kg. Ở Tân Cương, gia đình bà Lê Thị Hường, bà Phạm Thị Yên cùng ở xóm Hồng Thái 2 dường như năm nào cũng có chè xuất ngoại qua đường bưu điện, gửi bán cho người Việt kiều sinh sống ở Pháp, Nga, Úc...
Chè Tân Cương đi máy bay, đi tàu thuỷ ra nước ngoài, chủ yếu đến với người gốc Việt đang sinh sống xa quê. Ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lần tiếp đón đoàn khách quốc tế, bàn chuyện hợp tác với nông dân trồng chè Thái Nguyên. Để quảng bá cho nông dân, ông Thuần đã mời họ loại trà ngon nhất của Tân Cương, song mấy ông ngoại quốc lắc đầu, bảo: Đắng, chát... mà hình như uống xong lại thấy ngòn ngọt... Lần đó, một người ngoại quốc thật thà nói với ông Thuần: Ô, Tân Cương Việt Nam, đây là lần đầu tiên chúng tôi được uống loại trà thượng hạng này. 3. Cùng năm tháng, những bãi, đồi Tân Cương thêm mơn mởn màu xanh của chè.
Nhiều hộ có từ 1 mẫu đất chè trở lên như gia đình ông Lương Văn Hoà (Hồng Thái 2), ông Ngô Văn Hinh (Hồng Thái 1), ông Nguyễn Văn Tình (Soi Vàng) và gia đình bà Hoàng Thị Nguyên (Gò Pháo), nhờ nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè, do đó chè của các hộ này đạt năng suất ổn định 20kg búp khô/sào/lứa hái. Ngoài 6 lứa chính vụ, người dân Tân Cương còn có thêm 2 lứa chè vụ Đông. Bà Nguyễn Thị Khuy (Lam Sơn) cho biết thêm: Nhờ có nguồn nước của dòng sông Công đi qua các xóm Hồng Thái 1, Hồng Thái 2, Lam Sơn, Soi Vàng và xóm Guộc; cùng đó là dòng suối chảy từ bên Phúc Trìu đi qua các xóm Gò Pháo, Đội Cấn, Nam Thái, Nam Hưng... ra sông Công, nên hầu hết các hộ có đồi chè gần nguồn nước, đều mua được máy bơm tưới chè, làm chè nghịch vụ. Gia đình bà Khuy có hơn 1 mẫu chè, nhờ chịu đầu tư chăm bón đúng kỹ thuật, mỗi năm gia đình bà thu hái được hơn 1,5 tấn chè búp khô. Trừ chi phí đầu tư như công thu hái, phân bón... gia đình bà Khuy còn có lãi 80 triệu đồng/năm... Bên nương chè căng tròn bát úp, tôi cảm nhận ở đây từng dòng nhựa sống đang sinh sôi, hiến tặng cho người có công vun xới. Và ở đây, đất và người như cùng trăn trở cho một sự đổi mới, đó là những nông dân đang chuyển đổi diện tích chè già cỗi, năng suất thấp sang trồng chè cành giống mới có năng suất, chất lượng cao như: Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Kim Tiên, LDP1, TRI 777...
Riêng năm 2011 này người dân xã Tân Cương đã chuẩn bị đất để trồng thay thế 10 ha chè trung du già cỗi. Đặc biệt trong những ngày hướng tới Festival trà Quốc tế - Thái Nguyên 2011 (tổ chức vào tháng 11), trong xã Tân Cương, 10 hộ dân ở xóm Hồng Thái 2 đã thống nhất xây dựng thành một khu chè đẹp phục vụ khách tham quan. Khu chè Thái Nguyên đẹp này được cán bộ Phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên vào hướng dẫn cho nông dân cách sản xuất chè theo tiêu chuẩn VIETGAP. Ông Trần Văn Thắng, một trong những người có diện tích chè tham gia mô hình cho biết: "Nông dân Tân Cương có một bề dày kinh nghiệm trong sản xuất chè. Nhưng khi được trang bị thêm kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn VIETGAP, chúng tôi càng tự tin hơn với những sản phẩm của mình khi bày bán trên thị trường". Tôi biết, những sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn VIETGAP sẽ được thừa nhận trên thị trường Việt Nam, đồng thời cũng dễ dàng được người tiêu dùng trên toàn cầu chấp nhận. Ông Lương Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân tự hào nói với tôi: Tân Cương là thế, luôn thao thức tìm một hướng đi mới cho cây chè......
Đánh giá
HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
https://trathainguyentancuong.vn
ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com
<