Xin được cám ơn anh Nguyễn Cao Sơn - Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã chia sẻ bài viết của Người kể chuyện trà để minh họa cho Không gian Văn hoá trà Việt tại Tuần lễ Di sản Việt Nam 2017. Đây cũng chính là không gian văn hóa Trà thuần Việt mà Người kể chuyện trà Tân Cương Thái Nguyên vẫn luôn hằng nhắc đến.
Người Việt Nam ta đơn giản, nhưng cái đơn giản ấy là sự ấm áp nghĩa tình, cái đơn giản ấy là cội nguồn của tâm hồn người Việt: đôn hậu, mến khách, son sắt, thủy chung. Văn hóa trà Việt ta không có cái Đạo như trà Nhật, không có cái Mỹ như trà Tàu, không có cái Lễ như trà Hàn, nhưng chúng ta có một chữ CHÂN, chữ THẬT của lòng người. Giản dị mà thanh cao, không xa hoa lộng lẫy nhưng tinh tế đến vô ngần. Hiểu được như thế thì mới hiểu được văn hóa trà Việt, mới hiểu được con người Việt và hiểu để mà thương lắm. Một tuần lễ để giới thiệu văn hóa trà Việt ta, Người kể chuyện trà xin được Trân trọng và cảm kích lắm thay!
THƯƠNG LẮM VĂN HÓA TRÀ VIỆT TA
Bạn tôi có một không gian trà rất đẹp. Thi thoảng, anh ấy vẫn thường mời tôi sang uống trà đàm đạo. Trong một phút cao hứng, anh ấy chợt bảo: tôi xem người Trung Quốc họ có trà cụ cầu kỳ, xem người Nhật họ có trà Đạo công phu, còn người Việt ta chỉ có bỏ trà, pha đầy một ấm rồi uống, thì văn hóa ở đâu?
Tôi cười và không tranh cãi. Bởi có cãi thắng hay thua cũng đều là dung tục trước một chén trà. Mỗi người một sở thích và văn hóa mỗi quốc gia mỗi khác, có so sánh mấy cũng bằng thừa. Cứ lặng yên mà suy gẫm về một điều thật nhẹ: người Việt ta yêu trà, chỉ từ "Yêu" thôi đã là một văn hóa. Văn hóa ngàn xưa. Nhìn xem nhé, Từ Nam ra Bắc, từ đầu ngõ tới cuối xóm, ai cũng có thói quen làm tách trà cả buổi sáng hay trưa, cả ngày mưa hay nắng. Yêu trà đến thế còn gì...
Ông cha ta, ngày mà đất nước còn Nho giáo, đã coi trà như một cái lễ. Khách đến nhà, phải có ấm trà mà tiếp. Nhà nào khấm khá thì pha loại trà ngon, nhà nào bình dân thì dù (trà) chè Thái Nguyên chát cũng phải có mà chiêu đãi. Các cụ học Nho, ngồi bên ấm trà nhấp môi vài chén rồi nói chữ, nói Đạo. Ở đâu hình ảnh ấy cũng thành quen, có gì lạ đâu?
Rồi trà trở thành 1 phần trong giao tế của người Việt tới đỗi, đám hỏi, đám cưới, nhà trai nhà gái mời nhau chén trà thơm, rồi mới phát biểu, mới gửi gắm con mình cho nhau. Chén trà thay thế miếng trầu trở thành đầu câu chuyện, kết nối những tâm tình. Và thời tiết quê ta cũng là khởi nguyên giúp trà trở nên phổ biến. Miền Bắc thì rét, ngày nào cũng phải uống ấm trà cho ấm, cho xua tan cái lạnh trong người. Miền Nam lại mưa, ngày nào cũng phải uống ấm trà cho nó đỡ buồn, đỡ thơ thẩn thẩn thơ. Ngay cả cái vị đắng chát ban đầu của trà cũng gợi lên bao nỗi vất vả, cần lao của người nông dân Việt. Cái hậu vị mát ngọt của trà chính là tâm hồn người Việt đôn hậu, mến khách, son sắt, thủy chung.
Vậy đó, mà riết rồi trà thành văn hóa. Không cần công thức, giai đoạn, cầu kì, rườm rà, cứ pha một ấm trà rồi uống, rồi cảm nhận thôi. Vì đơn giản thế mà yêu, quen thuộc thế mà thành văn hóa. Người Việt yêu trà và làm nên văn hóa trà là như thế đó...
Đánh giá
HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
https://trathainguyentancuong.vn
ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com
<