Ông Phạm Hùng Vinh (bên trái), trao đổi kinh nghiệm sản xuất chè với một cựu chiến binh trong xã. |
Sáng sớm, nương chè xanh biếc của gia đình cựu chiến binh Phạm Hùng Vinh, xóm Cà phê 1, xã Minh Lập đã được tưới bởi hệ thống vòi tự động, vòi tưới quay tròn bung những tia nước trong veo. Ngôi nhà vững chãi cùng khu nhà xưởng sản xuất chè nổi bật trên cả vùng đất biếc xanh của chè. Ông Vinh với nụ cười tươi trên gương mặt rám nắng vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về những ngày vất vả lập nghiệp trước đây để có cơ ngơi như hiện tại. Năm 1972, ông lên đường nhập ngũ (khi đó ông mới tròn 18 tuổi và đang ở Tiên Lãng, Hải Phòng). Ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và đã bị thương, nhiễm chất độc da cam dioxin. Đến năm 1977, do sức khỏe không đảm bảo, ông được xuất ngũ trở về địa phương.
Khi mới xuất ngũ, gia đình ông Vinh rất khó khăn. Bản thân ông do nhiễm chất độc da cam nên cũng hay đau ốm. Để phát triển kinh tế gia đình, hai vợ chồng ông quyết định bán ngôi nhà cũ ở Hải Phòng, chuyển lên vùng đất Minh Lập sinh sống. Với sự quyết tâm của mình, vợ chồng ông đã cải tạo lại diện tích đất ít ỏi đã mua và khai hoang đồi bãi, trồng vào đó sắn, khoai và một số cây ăn quả khác. Tuy nhiên, hai vợ chồng ông chăm chỉ làm ruộng, trồng khoai, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên đã quyết tâm đầu tư trồng chè. Do có niềm đam mê lại chịu khó nghiên cứu tìm hiểu qua sách báo, đi tham quan thực tế các mô hình nên dần dần ông đã thu được những kiến thức quý báu trong trồng và sản xuất chè Thái Nguyên. Sau này, khi được tham gia các dự án trồng chè tại địa phương, ông cũng mạnh dạn thay thế dần cây chè trung du bằng các giống chè giâm cành, chè lai chất lượng cao như: LDP1, TRI 777… Ông Vinh chia sẻ: Qua tích lũy kinh nghiệm, tôi đã biết chăm sóc cây chè phù hợp để mỗi năm thu được 8 lứa chè chất lượng cao. Đến nay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích chè cành lên 12 sào. Cùng với đó, nhiều năm qua gia đình tôi cũng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nhằm vừa sản xuất được sản phẩm chè an toàn, vừa bảo vệ môi trường. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi sản xuất trên 9 tạ chè búp khô với giá bán trung bình từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu được khoảng 200 triệu đồng/năm từ sản xuất chè.
Với ước mong mang hương trà của vùng chè Trại Cài đi khắp mọi miền đất nước, năm 2008, ông Vinh vận động thêm 10 gia đình trong xóm thành lập Hợp tác xã chè Hương Trà. Ông cũng vận động các thành viên hợp tác xã tích cực nâng cao kiến thức trồng, chăm bón, chế biến chè an toàn với mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc dam cam, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Minh Lập, ông Vinh đã vận động các hội viên những hội này cùng tham gia sản xuất chè an toàn để bảo vệ sức khỏe gia đình, người tiêu dùng và môi trường chung. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các hội viên hội phát triển kinh tế.
Anh Chu Văn Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Minh Lập cho biết, hơn 10 năm qua, bác Vinh đã rất tích cực vận động anh em chúng tôi sản xuất chè an toàn. Gia đình nào không có điều kiện sản xuất theo đúng quy trình VietGAP thì bác cũng vận động họ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho phân bón và thuốc hóa học. Nhờ một phần công sức của bác Vinh mà nhiều người làm chè Thái Nguyên trong xã đã sản xuất an toàn hơn. Còn ông Trần Văn Tĩnh, ở xóm Cà Phê 2 thì cho biết, tuy không cùng xóm với anh Vinh, nhưng tôi hay đến chơi nhà anh Vinh để học tập kinh nghiệm sản xuất chè. Anh Vinh đầu tư nhà xưởng sản xuất chè rất quy củ, rộng rãi, các quy trình làm chè đều khoa học, an toàn.
Gắn bó và yêu mến cây chè, ông Vinh không chỉ dừng lại ở sản phẩm chè xanh thường thấy, ông đã sản xuất được sản phẩm chè đỏ hay còn gọi là chè lên men bán phần. Khi pha, nước trà có mầu sánh như mật ong, trà có mùi thơm thoảng như hoa nhài, vị ngọt thanh, mát. Sản phẩm này có giá bán khoảng 500.000 đồng/kg, được tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội, một phần xuất khẩu sang Đài Loan.
Đánh giá
HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
https://trathainguyentancuong.vn
ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com
<