Câu chuyện về những ngõ nhỏ ở Sài Gòn
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Giỏ hàng (
)
che-thai-nguyen_tra-thai-nguyen_tan-cuong_bn

Câu chuyện về những ngõ nhỏ ở Sài Gòn

Trà Thái NguyênCÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG...NGÕ NHỎ SÀI GÒN

Cũng đã lâu lắm rồi, dễ chừng hơn 5 năm từ cái ngày thức dậy thiệt sớm, lặng lẽ dạo một vòng Sài Gòn, từ quận nhà đến quận trung tâm, sang Bình Thạnh, Tân Bình rồi vòng trở về trung tâm, hướng về vành đai Đông của Sài Gòn, qua những cây cầu mới nối trung tâm thành phố với các quận có thể thành “trung tâm mới” của thành phố trong tương lai.
Người sống lâu ở Sài Gòn ghé quán bánh cuốn Hà Nội, nghe giọng Bắc Trung Nam vang vang trong tiết trời se lạnh là lạ giữa Sài Gòn … Uống một ly trà Tân Cương Thái Nguyên ấm nóng, chát đắng nhẹ, để rồi … chưa kịp chạy đi xa thì đã cảm nhận được vị ngọt hậu thong thả, thân thương.

hop_bao_ngoc_tra_100gr


Tối một hôm … cũng trời se se lạnh như thế … lại chạy một vòng Sài Gòn. Nói một vòng là nói cho trơn, chứ thật tình cũng chỉ lòng vòng đôi ba quận, qua những con đường, ngõ, phố quen … điểm thêm vài đoạn ruổi rong trong những con hẻm nhỏ mà có khi phải quay đầu xe trở ra … Chợt thấy yêu sao phút giây khám phá những ngõ nhỏ Sài Gòn … những cổng rào mở hé … những con đường lạ thành quen.
Ở ngõ nhỏ chưa kịp quen ấy, một bếp lửa cháy nhỏ, liu riu, được che chắn cẩn thận. Một ít khói bốc lên, mang mùi thơm thiệt đã vương theo gió … Cái mùi thơm đặc trưng của mứt dừa đang sên … Dì tóc đã hai màu vừa canh chảo mứt trên bếp vừa tranh thủ xắt thêm dừa thành từng sợi … sẵn sàng cho mẻ mứt mới. Cách đó không xa là cái “quán hàng” di động be bé. Cô bé tuổi đôi mươi tóc bỏ đuôi gà đang tỉ mỉ xếp những gói mứt dừa nhãn đơn sơ nhưng khá bắt mắt.
Tôi vòng xe lại, hỏi mua một gói mứt dừa. Cô bé đưa gói mứt cho khách mua hàng bằng hai tay, nói lời cảm ơn thật nhỏ nhẹ, rõ ràng. Tôi dựng xe sát ngõ, ngồi trên chiếc ghế gỗ thấp cô bé đưa, rồi mở gói mứt ra, đưa cho cô bé vài miếng mứt dừa. Cũng đôi bàn tay thô ráp ấy cầm lấy hai miếng mứt, em nhỏ nhẹ cảm ơn …
Cắn một miếng mứt dừa, tôi sững người lại … bởi đã quá lâu rồi mới tìm lại được hương vị mứt dừa nhà làm ngày xưa … Sợi dừa vừa vặn, không cứng, lớp đường nâu nhẹ bọc khẽ lấy dừa, lấm tấm “áo đường” đủ làm mê mẩn người thưởng thức mà không bị gắt họng bởi vị đường …

Phía bên kia … mẹ cô bé vẫn miệt mài sên mứt … Ánh đèn đường mờ mờ, ánh lửa nhỏ từ bếp rọi vào gương mặt đã đầy vết chân chim … nhưng nụ cười hiền hậu vẫn còn đâu đó … Nhìn cách dì sên mứt, cách cô bé gói ghém, sắp xếp từng gói mứt thật nhẹ nhàng, chỉn chu … cứ ngỡ như những nghệ nhân làm bánh mứt xưa xuất hiện trở lại, hiếm hoi giữa lòng thành phố …

Tiếng nước sôi tí tách … tiếng bếp lửa reo vui … Cô bé mời tôi một tách trà nhẹ nhàng để thưởng thức cùng bánh mứt … Em bảo, em vui lắm vì hôm nay được ăn mứt dừa mẹ làm … rằng mọi khi, em để dành mứt cho vào túi để bán … khách khen ngon, quay lại mua hoài … Em còn bảo, trà mẹ em pha ngon lắm … em đã học pha trà từ mẹ, hôm nay là lần đầu tiên em pha trà mời khách mua hàng …

Dễ thương quá phải không những góc nhỏ Sài Gòn, những con người bình dị, những món ăn, thức uống cũ mà không cũ … vẫn từng ngày mang hồn dân tộc đi muôn nơi!

CÂU CHUYỆN VỀ...UỐNG TRÀ SÁNG Ở SÀI GÒN.

Dù đi khắp muôn vạn nẻo đường, miền xuôi hay miền ngược, ắt hẳn, Sài Gòn vẫn luôn đâu đó trong lòng người đã nhiều năm quen với từng âm thanh rộn rã nơi các khu chợ nông sản, chợ cá sớm mai, những chú chim câu trước Nhà thờ Đức Bà dạn dĩ thong thong thưởng thức thức ăn từ du khách, những ông chú ăng-tô-ni đóng thùng giương kính đọc tờ báo sớm mai, những bà dì bế cháu “phơi nắng sớm”. Đâu đó, những quán hàng xèo xèo đỏ lửa, thực khách thong thả đọc thực đơn, rủ nhau chọn món ăn sáng, trưa, chiều tối. Nhân viên quán vẫn kiên nhẫn đứng chờ nghe gọi món …

Dù chỉ sống ở Sài Gòn vài năm hay đã trên chục năm, thậm chí nửa đời người gắn bó với vùng đất “tre trẻ” này, “người Sài Gòn” sẽ dễ dàng kể được vài điều ấn tượng với mảnh đất đầy thương yêu ấy.

Như bạn tôi, người rất thích đọc truyện cổ tích các nước trên thế giới, mê mẩn truyện cổ Grim đã từng ví von Sài Gòn như một thiên đường “bánh kẹo” (của mụ phù thủy) vốn đã từng làm hai anh em cậu bé Hansel và cô bé Gretel mê mẩn vô cùng. Bạn hàm ý, Sài Gòn không phải chỉ toàn bánh kẹo, thế nhưng sức hút ngọt ngào ấy khác gì vị ngọt ngào của bánh kẹo trong truyện cổ tích dành cho trẻ con …

Như em, người trót mê món trái cây dĩa “lừng lẫy” ở con đường N.C.C, Quận 1 bao năm rồi, cứ đi công tác về là kiểu gì cũng đến một quán quen (trong rất nhiều quán quen) để thưởng thức những dĩa trái cây mát lạnh kèm cả bình trà đá miễn phí. Cứ nhẩn nha mà thưởng thức trái cây, rồi lại nhẩn nha uống từng ngụm trà đá dù trời Sài Gòn nắng hay mưa …

Tôi thì lại thích cảm giác thú vị của việc lâu lâu không ăn sáng ở nhà mà chọn một quán nhỏ đâu đó ngoài phố. Ở nơi ấy, kẻ chọn phở, người chọn hủ tíu, kẻ lại thích ăn cơm sáng ở Sài Gòn bằng món cơm tấm mùi vị hấp dẫn không thể cưỡng lại được ...

Và kết thúc bữa ăn sáng kia, đa số quán sẽ mời thực khách uống trà. Không phải là những bình (trà) chè Thái Nguyên được pha từ các loại trà khó kiếm. Đơn giản chỉ là những ấm trà lài bình dị, những chén, tách thông thường, thực khách có thể uống cả ly trà đá lạnh hay hỏi chủ quán để được thưởng thức một bình trà nóng. Nếu không vội vã gì, đôi ba bàn khách có thể nán lại lâu hơn, chậm rãi uống trà, nói vài ba câu chuyện cuộc đời, chia sẻ những tin tức thời sự mới đêm qua … Chén trà cuối cùng trong ấm mới đậm vị làm sao … Hương vị ngọt hậu thật tuyệt vời còn theo người uống về đến tận nhà, hay đến cơ quan … để rồi buổi trưa, buổi tối cùng ngày hay những sớm mai ra … cứ thèm những phút giây nhẩn nha đầu ngày mới trước khi trở lại với những hối hả ngoài kia.

Sài Gòn đó, rộn ràng mà cũng nhiều tĩnh lặng, trẻ trung mà không thiếu những thâm trầm.
Sớm cuối tuần, rủ một vài người bạn tâm giao đi ăn sáng, uống trà – kể cũng là một điều tuyệt vời, phải không bạn của tôi?

NHỚ…KHOAI LÙI TRO BẾP

Những ngày gần cuối năm lại đang lặng lẽ trôi qua, vội vã với người này nhưng lại chậm rãi với người kia, dù cũng chỉ là hai mươi bốn tiếng trong một ngày. Người chờ đợi điều gì phía trước sẽ thấy thời gian sao mà đi chậm quá. Kẻ muốn nấn ná với những gì trong kỷ niệm đôi lúc lại chỉ muốn hát bài “xin thời gian ngừng trôi”.

Cũng như bạn, như tôi, như bao người đang sinh sống ở mảnh đất quen thuộc này: người sinh ra ở Sài Gòn, kẻ chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai; người tóc bạc, kẻ bắt đầu hoang mang trước sự đổi thay màu tóc, người thế hệ Y, kẻ vừa chớm tuổi 20 … ai cũng có những khoảng trời riêng – nơi đó – mình được thỏa sức vẫy vùng trong những điều yêu thích. Người thấy thương sao tiếng sáo trên phố khuya một đêm cuối năm. Người nhớ đến nao lòng những tiếng rao hàng chè buổi xế. Người giữ mãi trong tim những kỷ niệm ngày tết sum vầy. Người không thể nào quên những buổi chiều mưa gấp thuyền giấy thả trôi, mang đi bao điều ước …

Thế hệ tôi hát những khúc đồng dao thật nhiều cảm xúc. Thế hệ trẻ hơn thỉnh thoảng nghe đồng dao qua sóng truyền hình. Những 7x, 8x, 9x, 0x chen chúc trong mịt mù khói bụi Sài thành … tất thảy đều có thể ngẩn ngơ bởi mùi thơm khoai nướng bay ngược chiều gió. Người trẻ hơn thòm thèm những củ khoai nướng ngon ngọt thơm lừng. Người lớn hơn lại bùi ngùi với những nỗi nhớ không tên … về những củ khoai lùi bếp tro, bếp nóng … để rồi thỉnh thoảng ngẩn ngơ trong lòng … rằng giờ tìm đâu một bếp tro ấm để lùi những củ khoai vừa miệng …

Sài Gòn đất chật người đông. Thế nên sở hữu một mảnh vườn nho nhỏ giữa bao bộn bề âu lo, tất bật ấy là một điều an ủi quý giá. Chị về thăm nhà sau một hành trình nửa vòng trái đất. Những cơn gió nhè nhẹ thổi từ phía sau con rạch nhỏ vào. Một ấm trà chiều, một đĩa nhỏ mứt gừng dẻo, hàn huyên tâm sự. Phía hông nhà, những đám càng cua mọc thoải mái, xanh um, vài ba chiếc khạp nằm ngay hàng thẳng lối sát tường. Một chiếc khạp nhỏ bị mẻ nắp một chút, bên trong là một ít tro than còn sót lại sau một mùa nấu bánh Tết.

Nhấp một ngụm trà ấm nóng, chị bâng quơ: lâu rồi không được nghe tiếng người rao mua tro … phải hơn 20 năm rồi đó!
Ừ nhỉ. Quả là tiếng rao của những người đi mua tro đã chỉ còn trong hồi ức. Mới hồi nào … những người đàn ông chân chất, đen nhẻm nắng gió ngược xuôi (có khi vì cả bụi tro rong ruổi mưu sinh) … họ lặn lội tận từng con đường, từng ngõ nhỏ, để gánh tro mua được đầu hẻm rồi đi lần lần vào hẻm sâu, cất giọng to, vang (giờ nhắm mắt lại vẫn còn nghe rõ): Ai …. Tro … bán không … Trả tiền cho chủ nhà rồi, họ thong thả vác thùng tro mua được ấy đổ vào gánh lớn, rồi lại quảy gánh đi.
Những đống tro ấy sẽ được “hoại” rồi làm phân bón - người lớn giải thích như thế. Còn bọn trẻ con - sau những phút ngắn ngủi suy tư “người ta mua tro làm gì” – ngay lập tức thích thú với những quà, những bánh được mua từ chút tiền tro mẹ bán.
Giờ hiếm hoi lắm mới còn nhà đun nóng bằng củi để có một chút tro củi.

Chị châm thêm nước vào bình trà đã cạn, mỉm cười nhìn chiếc khạp mẻ nắp, khẽ khàng: mai mình nấu nồi bánh, để biếu hàng xóm, bà con, bạn bè, để một ít nhà ăn …
Tôi trêu chị: để chị có bếp tro để nấu nước đun trà, để mà lùi khoai nướng nữa phải không?

Đâu đó ký ức lại quay về: Bếp dã chiến bằng ba viên gạch, những lớp tro ấm nóng được cời ra một tí, nhường chỗ cho mấy củ khoai vàng lùi bếp nóng. Sớm mai ra, hương khoai thơm lừng, tàn tro vương tóc, mặt mũi lấm lem … nhưng lòng thật ấm, lòng thật vui …

Những ngọn gió sớm mai của Sài Gòn vẫn đang thổi … Tuy chưa có bụi tro nào … nhưng ấm áp đang len lỏi đâu đây.
Chợt nhớ một câu mà các bạn trẻ vẫn sẻ chia nhiều trên mạng xã hội, đại khái ý rằng ấm áp không phải chỉ khi mình ngồi bên đống lửa mà là khi được ngồi bên cạnh người bạn thương yêu.
Rồi thấy thương quá chừng là thương … khi được ngồi bên cạnh bếp lửa với người thân, nói vài ba câu chuyện xa gần, cùng trông nồi bánh, cùng lùi khoai vào bếp tro, cùng sẻ chia những vui buồn cuộc sống … để tất cả những cơn gió lạnh sẽ thôi không thể xoáy vào lòng, bởi yêu thương đong đầy sẽ đẩy lùi những lạnh lẽo ấy.

SÀI GÒN TRONG TIM TÔI...

Bất chợt, một người bạn vong niên hỏi tôi về tình yêu Sài Gòn. Bạn bảo trong vòng 30 giây hãy kể bạn nghe những lý do khiến Sài Gòn luôn trong tim nhiều người đến vậy.

Tự nhiên, ngập ngừng … Không phải là không thể ngay lập tức trả lời cho một câu hỏi quá dễ này, mà quả thật, Sài Gòn với nhiều điều thú vị và thân thương đến độ, không biết nên kể điều gì trước tiên.

Người bảo yêu Sài Gòn với ly cà phê buổi sớm.
Người lại bảo, Sài Gòn cũng dễ thương với những ngày trời se se lạnh, bên bếp lửa nhen vội, uống vài ngụm trà nói năm ba câu chuyện, thấy đời bỗng dưng vui.

Người thích trải nghiệm thú vị từ những món ăn thì nhắc đến Sài Gòn với món khô bò công viên, với gánh bánh canh đắt hàng khu Đa Kao chỉ bán vỏn vẹn vài ba tiếng đồng hồ ngắn ngủi buổi xế chiều, hay những hàng chè lâu đời khu quận 5, quận 3, quận 10.

Như những cơn mưa Sài Gòn chợt đến rồi đi, tôi cũng yêu Sài Gòn với những quán hàng, những món ăn, những tấm chân tình dễ thương đến lạ. Lại yêu thêm cả những con đường, những hàng cây góp phần tạo nên mảng xanh thành phố.

Bao nhiêu năm qua rồi, những con đường rợp bóng mát của me, của điệp vàng, phượng đỏ, của sao đen … dần trôi vào quên lãng dù vẫn còn đó những con đường có lá me bay, những “hoa dầu” xoay tít … đã đi vào thơ ca, nhạc, họa. Bao nhiêu dấu chân đã in trên những con đường đầy ắp kỷ niệm ấy.
Có người vẫn nhắc hoài những câu thơ trong bài “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn” của nhà thơ Du Tử Lê:

“Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè.
Nắng Trương Minh Giảng, trưa hè Tự Do”
(có phiên bản ghi “lá hè Tự Do”)

Tôi lại nhớ thêm “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, hay đường Bà Huyện Thanh Quan với những gốc me to, tán rộng chụm vào nhau, che kín mặt đường (tưởng chừng không có kẽ nắng nào lọt qua được), nhớ Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu cũng được phủ đầy màu xanh thân thương ấy.

Lại nhớ cả những con đường quận 3 quanh công viên Tao Đàn, hồ con Rùa, cứ tháng 4 tháng 5 hoa dầu (trái sao đen, dầu rái) bay bay rồi đáp kín mặt đường. Biết bao lứa đôi từng lãng du qua miền nhớ, cất giọng hát “cánh hoa dầu xoay tít bay bay … nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày” (Cánh hoa bay – nhạc sĩ Giáp Văn Thạch), mặc thời gian xóa đi nhiều kỷ niệm.

Bạn nhớ con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngang qua Sở thú, phía đầu bên này có trường Trưng Vương (trường nữ trung học năm nào) và trường Võ Trường Toản (xưa là trường nam trung học). Con đường thơ mộng đầy lá me rơi trên vai áo học trò, với mây giăng và nắng vương nhẹ … một thời ta mê đắm bài hát “Trưng Vương khung cửa mùa thu” (nhạc ngoại lời Việt của nhạc sĩ Nam Lộc): “Trưng Vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời”, “nắng vẫn vương nhẹ gót chân”, “chợt nghe bâng khuâng, lá rơi đầy sân”.

Chỉ vậy thôi đó, mà lắm khi thấy yêu, thấy nhớ Sài Gòn dù vẫn đang ở trong lòng Sài Gòn. Lạ.
Bạn có cùng một tình yêu như thế không?

Đánh giá

HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên

https://trathainguyen.net.vn

https://trathainguyentancuong.vn

https://trahoalai.vn

 


ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com

  • Văn Phòng Hà Nội: 603 Nguyễn Văn Giáp, Mỹ Đình, Hà Nội. 
Đang truy cập: 71
Trong ngày: 546
Trong tuần: 3923
Lượt truy cập: 2192340
1
Bạn cần hỗ trợ?