Chè Thái Nguyên bị chết do ngập úng và gây thiệt hại cho người dân
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Giỏ hàng (
)
che-thai-nguyen_tra-thai-nguyen_tan-cuong_bn

Chè Thái Nguyên bị chết do ngập úng và gây thiệt hại cho người dân

Vừa qua, do mưa lớn kéo dài đã làm khoảng 2ha chè VietGAP của Tổ hợp tác làm chè VietGAP Ao Cang – Chũng Na, xã Bá Xuyên (T.P Sông Công) trên cánh đồng Soi Chè bị thối rễ và chết rút. So với diện tích chè ở nhiều địa phương khác, có thể diện tích trên chưa phải là nhiều nhưng đã ảnh hưởng một phần đến cuộc sống của người dân, khi thu nhập của họ chủ yếu là từ loại cây trồng này.

che bi chet do ngap ung bai hoc tu chung na
Do mưa lớn kéo dài, khoảng 2ha chè VietGAP của Tổ hợp tác làm chè VietGAP Ao Cang – Chũng Na, xã Bá Xuyên (T.P Sông Công) bị chét rút không cho thu hoạch hoặc thu hoạch không đáng kể. Trong ảnh: Hội viên Tổ hợp tác tuốt lá héo vàng, vun xới gốc để cải tạo rễ chè

Được biết, từ năm 2001, một phần diện tích của cánh đồng Soi Chè được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chè cành theo Dự án trồng chè cành của Sở Khoa học và Công nghệ. Thực tế tại cánh đồng này trong những ngày gần đây cho thấy, nhiều diện tích chè đã bị héo vàng và lụi dần; ở một vài diện tích khác, búp chè bị xoăn và có màu vàng úa. Đặc biệt, 50% diện tích chè VietGap (khoảng 2ha) của 28 hộ hội viên trong Hợp tác xã đã bị chết rút không cho thu hoạch.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chè bị úng và chết bởi cánh đồng này có đặc điểm hơi chũng, trong khi hệ thống thoát nước được xây dựng từ lâu, hoạt động kém hiệu quả. Cụ thể, 4km kênh mương cấp II, 6 cống trên các tuyến kênh do xã quản lý và gần 1,2km trong tổng số hơn 1,7km kênh mương được kiên cố hóa của Bá Xuyên đã xuống cấp, không đảm bảo tưới tiêu. Cũng chính bởi lẽ đó, thời điểm năm 2012-2013, nhiều diện tích chè trên cánh đồng này cũng đã từng bị chết do thiếu nước trầm trọng. Với những đặc điểm này, lẽ ra khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chè, chính quyền địa phương nên cải tạo, quy hoạch lại hệ thống kênh mương sao cho phù hợp với cây trồng mới, hạn chế rủi ro khi thời tiết không thuận lợi.

Một nguyên nhân nữa được xác định là do, người trồng chè chưa thực hiện đúng kỹ thuật trồng như cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn nên đã ảnh hưởng một phần đến cơ chế thoát nước của cây chè. Đúng ra, chè phải được trồng hàng cách hàng từ 1,2m-1,5m và cây cách cây là 60cm nhưng bà con lại trồng với khoảng cách rất dày. Cùng với đó, ở một số diện tích, bà con đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến đất bị lèn chặt, làm ảnh hưởng đến việc thoát nước khi có mưa. Việc chè bị táp lá và chết như thế này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mà quan trọng là thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Bởi, chè được sản xuất theo quy trình VietGAP bán ra thị trường với giá cao hơn từ 50.000-70.000 đồng/kg so với chè thường.

Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích chè của gia đình, bà Đỗ Thị Tám, xóm Chũng Na xót xa: Gia đình tôi có 3 sào chè VietGAP thì có đến hơn 2 sào đang bị chết rút cho thu hoạch không đáng kể. Với diện tích này, trước đây, mỗi lứa tôi thu hoạch trên 50kg chè búp khô nhưng hiện nay, chỉ được chừng 5kg chè là nhiều. Hằng năm, khi hồ Núi Cốc xả lũ 1-2 ngày, chè cũng bị chết nhưng không nhiều. Nếu chè bị chết do thiếu nước còn dễ xử lý đó là chỉ cần bơm nước tưới nhưng khi đã bị thối rễ thì khó có thể hồi phục lại.

Tương tự nhà bà Tám, gia đình bà Đồng Thị Hòa ở xóm Ao Cang cũng có đến 50% diện tích chè không cho thu hoạch vì không nảy được búp. Theo bà Hòa thì diện tích chè bị chết (hơn 3 sào) dù có phá đi trồng lại cũng khó vì thời gian cho thu hoạch khá lâu (2 năm mới cho thu hoạch), chế độ chăm sóc chè non lại đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Hiện tại, gia đình bà Hòa đang thực hiện tuốt hết những lá chè bị héo và xới lại gốc với hy vọng chè khôi phục được phần nào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Tâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Tổ hợp tác làm chè VietGAP Ao Cang - Chũng Na được thành lập cách đây 3 năm, thu hút 28 hội viên ở xóm Chũng Na và Ao Cang tham gia với diện tích gần 4ha chè cành giống LDP1, Phúc Vân Tiên. Bình quân mỗi năm, Tổ hợp tác cung cấp ra thị trường trên 15 tấn chè búp khô, cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Tổ hợp tác đã thu hoạch được 5 lứa chè, năng suất đạt trên 6 tấn chè khô. Lứa chè gần đây, do mưa kéo dài làm một số diện tích không thoát được nước đã bị thối rễ, táp lá không cho thu hoạch hoặc thu không đáng kể.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Phòng Kinh tế thành phố đã cử cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn bà con ngừng bón phân, lân, đạm mà tích cực xới gốc để cải tạo rễ. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, phần lớn rễ chè đã bị thối nên khả năng khôi phục không cao, nếu có chỉ được một phần nhỏ. Sau nửa tháng nữa, căn cứ vào diện tích không thể khôi phục, thành phố sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể về hom giống, phân bón để người dân trồng chè mới ở vụ sau. Hiện nay, điều khiến bà con lo lắng nhất là đến tháng 11-2017, Giấy chứng nhận chè VietGAP của Tổ hợp tác làm chè VietGAP Ao Cang – Chũng Na sẽ hết hạn. Với diện tích chè bị chết như trên, liệu việc cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP có bị ảnh hưởng?.

Thực tế cho thấy, diện tích chè bị chết do ngập úng ở xã Bá Xuyên chưa phải là nhiều nhưng qua sự việc này, các địa phương khác nên rút ra bài học kinh nghiệm, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải lưu ý đến các yếu tố ảnh hưởng, đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt. Với xã Bá Xuyên, chính quyền địa phương nên sớm có biện pháp cải tạọ cũng như quy hoạch lại hệ thống kênh mương để bà con yên tâm sản xuất ở những vụ sau.

In bài viết

Đánh giá

HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên

https://trathainguyen.net.vn

https://trathainguyentancuong.vn

https://trahoalai.vn

 

 


ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com

  • Văn Phòng Hà Nội: 603 Nguyễn Văn Giáp, Mỹ Đình, Hà Nội. 
Đang truy cập: 110
Trong ngày: 1041
Trong tuần: 4461
Lượt truy cập: 3572231
1
Bạn cần hỗ trợ?