Việc cải tạo giống chè trung du đang được các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên quan tâm để sản xuất ra các loại trà hảo hạng, có giá trị thương mại cao.
Xã Tân Cương là vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên với diện tích chè trung du lớn. Tuy nhiên, hiện nhiều diện tích chè bị thoái hóa, tỷ lệ ra búp kém, năng suất thấp.
Từ năm 2015, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Thái Nguyên và Trạm Khuyến nông Thành phố Thái Nguyên triển khai các Dự án “Cải tạo nương chè giống trung du năng suất thấp tại vùng chè Tân Cương”, “Xây dựng mô hình cải tạo nương chè giống Trung du theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững tại vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên”.
Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè Trung du Tân Cương (Thành phố Thái Nguyên), một trong những hộ vẫn duy trì vườn chè trung du cổ trong khi nhiều hộ đã chặt bỏ để thay thế các loại chè lai cho biết, sản phẩm chính của Hợp tác xã là trà trung du với mức giá bán buôn từ 1 - 4 triệu đồng/kg, đặc biệt, chỉ giống chè này mới làm được sản phẩm trà đinh hảo hạng có giá 4 - 6 triệu đồng/kg, có thể cao hơn và trà matcha.
Anh Dương chia sẻ, giống chè trung du tạo nên thương hiệu của chè Tân Cương đến bây giờ. Thời điểm năm 2005 - 2007, một số giống chè lai được mang về Tân Cương trồng và có năng suất cao hơn, giống chè trung du bị phá nhiều.
Khi đó, anh Dương được một cán bộ Viện Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tặng 2.000 cành giống chè trung du và anh quyết định trồng thử nghiệm.
Sau 3 năm trồng, chất lượng giống chè trung du mới trồng bằng cành vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng, màu nước đẹp. Hương vị của chè giống mới này thanh hơn giống cũ, mùa đông phát triển tốt, mật độ búp thoáng, thưa, dễ hái, năng suất tương đương giống chè cũ và có thể cao hơn.
Cùng chung niềm đam mê chè trung du như anh Dương, gia đình anh Trần Thái Lâm, xóm Hồng Thái 2 xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên duy trì vườn chè trung du đã được trồng từ năm 1973. Gia đình anh Lâm có 1 mẫu chè; trong đó, 8 sào chè trung du. Những năm trước, chè có dấu hiệu cằn cỗi, năng suất giảm.
Từ tháng 2/2015, anh Lâm cải tạo nương chè trung du năng suất thấp, thực hiện kỹ thuật chăm sóc, bón phân theo quy trình, vườn chè như được dùng thuốc hồi xuân, cho sản lượng cao hơn. Hiện vườn chè của anh được chọn làm vườn chè bố mẹ để ươm giống cung cấp cho các hộ trong vùng.
Ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, cùng với việc phát triển giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao, giống chè cũ vẫn phải được bảo tồn, phát triển.
Cách làm này vừa giữ được thương hiệu của cây chè bản địa ở vùng Tân Cương đồng thời kết hợp với giống chè mới góp phần đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, chè trung du phù hợp trồng trên đồi cao, không chủ động được nước tưới.
Giống chè trung du có gen bản địa quý cần được bảo tồn, làm cơ sở cho việc chọn tạo, nhân giống. Giống chè trung du gắn liền với người dân Thái Nguyên, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và mang tính chất lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời.
Hiện các nông hộ tại địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, trồng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Diện tích chè trung du già cỗi, thoái hóa, năng suất và chất lượng thấp sẽ tiến hành phục tráng nâng chất lượng.
Diện tích chè Thái Nguyên hiện gần 22.000 ha. Tuy nhiên, chè trung du chỉ khoảng 25 - 30% và tiếp tục có xu hướng giảm dần.
Do vậy, việc gìn giữ, bảo tồn giống chè trung du không chỉ đáp ứng mục tiêu thương mại, mà còn bảo tồn giống chè cổ, hương vị chè truyền thống đã được nhiều thế hệ người Việt Nam ưa chuộng./.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, với quyết tâm chính trị cao, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trung tâm bao trùm; bằng nỗ lực, phấn đấu, điều hành quyết liệt và năng động của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, nông thôn Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, với việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù như: Cơ chế hỗ trợ kinh phí và xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua triển khai các dự án, đề án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh… Chương trình đã đạt và hoàn thành vượt mức các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đề ra. Đến hết năm 2019 số xã đạt chuẩn NTM 101 xã, về đích trước 01 năm; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM: 03 đơn vị, vượt 01 đơn vị và về đích trước 02 năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,63 triệu đồng/người/năm (vượt 2,63 triệu đồng, về đích trước 01 năm). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,47%; thấp hơn 8,6% so với tỷ lệ hộ nghèo khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc (17,07%).
Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ tham gia vào xây dựng NTM, chuyển từ phải làm sang thành khát vọng xây dựng NTM. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. Niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao. Người dân tự thấy được và được thực hiện những hành động cụ thể đóng góp xây dựng quê hương mình.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển mạnh mẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn. Đến nay, 100% các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện, hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng đều được được đầu tư trải nhựa hoặc bê tông hóa, cứng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Hệ thống điện lưới điện trung, hạ thế được đầu tư đã phủ kín 100% các xã, xóm trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu điện sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh, đã xóa được các xóm bản “trắng điện” chưa được đầu tư điện lưới quốc gia….
Kinh tế tập thể từng bước được củng cố và phát triển, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản như: Vùng Chè đặc sản Tân Cương - thành phố Thái Nguyên, Trại Cài - huyện Đồng Hỷ, La Bằng - huyện Đại Từ, Tức Tranh - huyện Phú Lương; vùng lúa đặc sản Nếp Thầu Dầu Phú Bình, nếp Vải Phú Lương, gạo Bao Thai Định Hóa;... Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi trang trại theo quy mô công nghiệp, an toàn sinh học ngày càng phát triển. Từ những phát triển tích cực trong sản xuất trà Thái Nguyên đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Tổng kết thành quả 10 năm xây dựng NTM, Thái Nguyên không chỉ đạt và vượt mục tiêu đề ra, mà các nội dung xây dựng NTM đã ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới sự bền vững. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng NTM khu vực miền núi phía Bắc được Trung ương đánh giá là tỉnh dẫn đầu 14 tỉnh trong thực hiện phong trào xây dựng NTM.
Quán triệt quan điểm “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể” và “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Ông Dương Văn Lượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên – cho hay, Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành; chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn; huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho các xã chưa đạt chuẩn, nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn, trong đó đặc biệt quan tâm dành nguồn lực thích đáng để hỗ trợ các xã có tiêu chí đạt thấp. Đối với các xã và đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng từ các mô hình “hộ gia đình NTM”, “xóm NTM kiểu mẫu”, “vườn mẫu”. Lấy mô hình xây dựng “xóm NTM làm hạt nhân”.
Đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua để xây dựng NTM Thái Nguyên tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất; bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường để xây dựng NTM bền vững.
Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 130 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu từ 6 đơn vị cấp huyện trở lên được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 20 xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu; Bình quân tiêu chí theo bộ tiêu chí về xã NTM đạt 18,5 tiêu chí/xã; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 2% /năm trở lên. Dự kiến tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 11.400 tỷ đồng. |
Đánh giá
HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
https://trathainguyentancuong.vn
ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com
<