Những câu chuyện về thiền trà
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Giỏ hàng (
)
che-thai-nguyen_tra-thai-nguyen_tan-cuong_bn

Những câu chuyện về thiền trà

Trà Thái NguyênCÂU CHUYỆN KHI THIỀN VÀ TRÀ SÁNH ĐÔI

Thuở bé, khi nhìn bà bỏm bẻm nhai trầu, lũ trẻ chúng tôi không thắc mắc gì với câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” cả. Ấy là bởi vì đã quen với những buổi chiều ông bà thong thả bên hiên nhà, nói chuyện, tay têm trầu, say sưa với những múi cau, những lá trầu xanh trong cơi.
Rồi lớn lên tí nữa, để ý thấy ngoài trầu, cau thì còn có cả trà. Không tìm thấy câu tục ngữ nào kiểu như “Tách trà là đầu câu chuyện”, nhưng cả một thời tuổi trẻ cho đến tận bây giờ, khi mà những thứ nước đóng chai, đóng lon, những tủ lạnh sẵn nước mát … thì một tách trà Tân Cương Thái Nguyên mời khách vẫn còn là thói quen của biết bao gia đình khi có khách đến chơi nhà. Động tác pha trà mời khách ấy thể hiện được sự trân trọng những phút giây ghé thăm, những phút giây còn song hành, đàm đạo cùng nhau trong cõi vô thường.

ch_tn_cng_thi_nguyn_11


Khi đời sống là những chuỗi ngày mà con người luôn vận động không ngơi nghỉ, người tích cực thì biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, người bi quan lại cuộn mình trong những âu lo. Và niềm mong mỏi được hiểu, được sẻ chia, được có một chốn bình yên … đôi khi trở thành những gì xa xỉ. Người thành công vẫn cần một chốn bình yên. Người chưa thành công lại càng mong có nơi để chiêm nghiệm.

Uống trà, trong một chừng mực nào đó, có thể dẫn dắt con người một cách nhẹ nhàng vào chốn bình yên. Có lẽ, chính cái sự thong thả, tỉ mẩn khi đun nước, tráng trà, pha trà, rót trà, mời khách hay tự mình thưởng thức một tách trà ấy sẽ khiến con người không thể vội vàng gì hơn, và tâm hồn như được ở giữa chốn bình yên vây.

Bây giờ, giữa muôn trùng vòng vây những lo toan của cuộc sống thường nhật, sức khỏe, con người, người ta nhắc đến Trà và Thiền như nhắc đến mối lương duyên từ lâu lắm mà lại rất khó để cắt nghĩa, tại sao, như thế nào. Chỉ biết rằng, khi lặng yên - tọa Thiền, đâu đó phảng phất một chút vị trà trong lành, khiến người khoan thai … Còn khi chậm rãi nhấp ngụm trà nóng thơm hương sen, hay tận hưởng vị nhân nhẫn đăng đắng và ngắm sắc nước vàng óng ánh, dường như hơi thở cũng nhẹ nhàng hơn, đều đặn hơn từ bên trong … khiến ta chìm vào giây phút tọa Thiền.
Và cứ thế - thư thái - nhẹ nhàng - Thiền và Trà gắn kết với nhau, như con thuyền êm êm nhẹ nhàng rẽ sóng, đưa con người đến chân trời của an nhiên, tự tại, thanh tịnh trước những bể dâu đổi dời trong đời.

Một hôm nào đó, thử xếp lại những bộn bề công việc, những đau khổ trong cõi tình, pha một ấm trà, mời bằng hữu cũng được, mà một mình cũng không sao. Chỉ là, khi đưa chén (trà) chè Thái Nguyên lên miệng, hãy nhìn thật sâu vào làn khói thơm nghi ngút đang tỏa ra từ miệng chén, biết đâu bạn sẽ thấy khói vẽ ra những con đường đầy ánh sáng - như thứ ánh sáng cuối đường hầm bỗng rực lên … những bí bách đời thường theo làn khói mà bay đi mất, nhường chỗ cho lắng đọng, thoải mái, yêu thương.

Người ta bảo, mùa đông thì uống trà bằng chén miệng nhỏ - để làn hơi ấm từ từ thoát ra - để ta cảm nhận chút ấm áp trong không khí lành lạnh ấy; còn mùa hè hãy uống trà bằng chén to - để hơi nóng bay lên nhanh hơn - dễ uống.
Sài Gòn chỉ hai mùa nắng mưa, thế nên chọn lựa chén uống trà cũng giản đơn hơn, như tính cách người Sài Gòn vậy.
Và dù là uống trà bằng tách nào, chén nào đi nữa, bạn biết không - khi ta cảm nhận được sự ung dung chầm chậm lan tỏa đến mọi giác quan, xung quanh ta mọi thứ chừng lắng đọng lại … ấy là lúc ta thật sự mạnh mẽ, vững vàng để tiếp tục cuộc hành trình - tiếp tục sứ mệnh của mỗi người.

Giữa muôn trùng sóng gió cuộc đời, khi đưa tay nâng một tách trà lên để thưởng thức, bạn còn nhớ gì?
Người nhớ đôi tay cô bạn gái tuổi trăng tròn, e ấp áp tay vào tách trà rồi lại áp tay lên má để má ửng hồng vì hơi ấm bàn tay …
Người nhớ đôi tay mẹ tảo tần hôm sớm, thô ráp, khô cằn với thời gian.
Người lại nhớ đôi tay những người phụ nữ hái chè, sao chè quanh bếp. Những đôi tay không đẹp, không mượt mà nhưng tin chắc chủ nhân của những đôi tay ấy sẽ luôn nhẹ nhàng, thoải mái, khoan thai đi cùng tháng năm.

Và bạn ơi, một hôm nào đó, bắc ấm nước lên, pha một ấm trà, tận hưởng những thong dong, ấm áp như suối nguồn tươi trẻ của cuộc đời … để thấy tâm mình lắng đọng, và mạnh mẽ, hạnh phúc sẽ đến nhà, qua cả những cửa sổ luôn mở ra đón nắng hòa cùng với gió.

Ngày chủ nhật...ngày của riêng mình. Người kể chuyện trà tự hỏi: Bạn có đang thưởng cho mình sự thảnh thơi sau một tuần làm việc mệt nhọc không nhỉ? Nếu chưa, hãy làm ngay đi nhé, vì bạn của tôi ơi, bạn đáng được thưởng mà… Pha một ấm trà ngon, ngồi cạnh nhau đây, Người kể chuyện trà sẽ hầu chuyện cùng bạn, sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện:

LÃNG DU QUA NHỮNG MIỀN TRÀ.

Trong khi khắp nơi vẫn còn bàn luận về nguồn gốc của trà, còn nhiều giai thoại về trà thì bạn biết không, sức hút của trà không thua kém một loại thức uống nào ở nhiều nền văn hóa "ẩm thực" muôn nơi, chưa kể, xét về số lượng "phiên bản" thì đoan chắc là trà không có đối thủ.

Từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu, từ đất nước với lịch sử lâu đời cho đến những vùng đất "trẻ" mới được khám phá vài trăm năm, trà đã được những người đam mê thổi hồn cho nó với nhiều kiểu độc đáo, từ gia vị thêm vào khi pha chế cho đến cách bày trí, thưởng thức … Hãy điểm qua những cách chế biến và uống trà được ưa chuộng ở mười một quốc gia trên thế giới nhé!

Trà nơi xứ sở của đồng hồ Big Bang (Anh Quốc).
Bạn biết không, vương quốc Anh - đất nước được xếp vào nhóm cựu lục địa - vốn được biết đến với tên "xứ sở sương mù", với tháp đồng hồ Big Bang lại chính là quốc gia có lượng trà được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Và từ nay, ngoài món cá và khoai tây chiên - 2 món ăn được người dân xứ Ăng-lê ưa chuộng, bạn hãy thêm trà đỏ vào làng ẩm thực của nước Anh nhé. Đây là loại trà được người Anh dùng khá phổ biến.

Có gì đặc biệt ở trà của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Việt Nam thường quen với bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ (bánh mì Kebab) hơn là trà.
Thế nhưng, bạn có biết, đất nước nhiều bí ẩn này lại sản sinh ra cách uống trà thật độc đáo: người uống trà sẽ ngậm một viên đường nhỏ trước khi nhấm nháp từng ngụm trà. Và chính điều này giúp trà có một hương vị khá lạ. Một hôm nào đó, bạn thử xem sao!

Thưởng trà ở nước Nga.
Ngoài nét độc đáo của búp bê Nga - một loại "đồ chơi", "vật trang trí" khá nổi tiếng của xứ sở bạc dương, khi nói về trà ở nước Nga bạn hãy bỏ túi khái niệm "caydanlik". "Caydanlik" là loại ấm trà hai ngăn, ngăn trên chứa lá chè và sẽ được đổ nước đun sôi ngập vào đó, ngăn dưới là nước đun sôi, để tiếp thêm nước cho ngăn trên, làm ngập lá trà. Đây cũng là loại ấm pha trà mà nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cũng thích dùng.

Trà Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có văn hóa uống trà được biết đến khá nhiều.
Và năm điều mà không một ai nghiên cứu văn hóa uống trà Trung Hoa có thể bỏ qua: chất lượng trà được chọn pha, nguồn nước pha trà, độ nóng của nước, "đồ nghề" pha trà và dĩ nhiên là không thể thiếu môi trường để con người thưởng trà.

Hồng Kông - xứ sở nổi tiếng với Trà sữa.
Ngày nay giới trẻ Việt mê mẩn với bao nhiêu là nhãn hiệu trà sữa được nhượng quyền từ Hồng Kông, Đài Loan ... Và không phải chỉ được ưa chuộng bên ngoài lãnh thổ đâu nhé, trà sữa Hồng Kông là thức uống được chính người dân bản địa ưa chuộng lắm đấy.

“Kem trà” Malaysia.
Nếu một số nước xem bánh, chè, hoa quả là món tráng miệng thì ở Malaysia, nhiều người thích tráng miệng bằng trà pha cùng với kem để có vị beo béo, thơm thơm. Quả thật là muôn màu thú vị cùng trà!

Ấn Độ - xứ sở mang gia vị vào trà.
Người Ấn Độ có cách chế biến trà khá đặc biệt: dùng một số gia vị, thảo mộc để ủ ướp lá trà đen. Sau pha chế, loại trà này được gọi tên "Masala Chai". Nghe cũng thật hấp dẫn bạn nhỉ!

Pakistan.
Quốc gia ở Nam Á này cũng có cách ủ ướp pha trà vớigia vị kiểu như nước láng giềng Ấn Độ nhưng có một chút khác biệt. Vị cay và ngậy được ưa chuộng khi người dân nơi đây pha chế trà.

Nhật Bản.
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn biết loại trà được ưa chuộng trong lãnh thổ Nhật Bản và cũng rất nổi tiếng trên thế giới chính là Matcha. Sau khi được hòa tan, loại bột trà xanh Matcha sẽ cho bạn một thứ nước với sắc xanh đục hấp dẫn, tốt cho sức khỏe. Ngắm hoa anh đào tháng 4, nhấm nháp một tách trà Matcha quả không còn gì bằng.

Kuwait
Nếu nước Anh được xem như là nơi khai sinh ra việc thưởng thức trà chiều thì ở quốc gia Trung Đông vốn được biết đến với những mỏ dầu - Kuwait - trà chiều được chế biến khá đặc biệt với thành phần phổ biến gồm trà đen, nghệ tây cùng một ít bột có tên gọi rất lạ: bột bạch đậu khấu. Sự kết hợp của ba nguyên vật liệu này khiến trà chiều ở Kuwait thực sự là một thức uống tốt cho sức khỏe.

Mông Cổ.
Thảo nguyên bát ngát mênh mông .. là đặc trưng của đất nước Mông Cổ xinh đẹp.
Sữa là loại nguyên liệu không thiếu ở quốc gia này và vì thế nó cũng có mặt trong ẩm thực trà nơi đây. Đúng kiểu thênh thang, mênh mang, trà và sữa được nấu trên chảo, pha thêm chút muối rồi rót ra những chiếc tô sắt. Thế là du khách có thể thưởng thức món trà mang tên Suutei Tsia trong màu xanh tươi mát của thảo nguyên.

Quả thật là hấp dẫn với loại thức uống lâu đời mà vẫn còn được ưa chuộng đến tận bây giờ phải không.
Nếu có dịp lãng du qua những vùng đất này, bạn nhớ thưởng thức những tách trà đặc trưng của mỗi nơi và cùng Người kể chuyện trà viết thêm những câu chuyện thú vị xoay quanh tách trà nữa nhé! Ngày chủ nhật bình yên...

Câu chuyện cho ngày nghỉ lễ...
"UỐNG TRÀ KHI LÒNG BÌNH YÊN, HAY UỐNG ĐỂ YÊN BÌNH"

Ngày nghỉ lễ, Người kể chuyện trà vẫn thích ngồi thưởng trà ở một nơi mình yêu thích. Với một thức uống khá đặc biệt như trà - vừa để giải khát thông thường, vừa để thưởng thức như một thú vui tao nhã, lại có thể được xem như một thức uống hỗ trợ sức khỏe … thì việc uống trà lúc nào, trong không gian nào … là những vấn đề khá thú vị để bàn đến.
Khi xưa, uống trà buổi sáng khi trời còn mờ sương, nghe tiếng chim hót râm ran đầu hè, đón tia nắng đầu tiên trong ngày … như nạp đầy năng lượng cho một ngày mới. Người đi buôn bán, người đi làm, người lại ra sân ra vườn chăm chút cho cây cỏ, hoa lá quanh nhà. Những tách trà sen thơm ngát buổi sớm mai, hay những chung trà được rót ra từ chiếc bình tích ủ ấm đặt trên chiếc bàn xếp gọn trong nhà …

Mà không phải chỉ có buổi sớm mai người ta mới uống trà. Tôi vẫn nhớ những chiều hôm, khi việc nhà đã xong, cha bày bàn trà đón bạn đến chơi nhà. Nói vài ba câu chuyện, bàn luận tích Đông - Tây, nhắc chuyện thời nay không quên thời tuổi trẻ. Bà thì bảo, khi người lớn hoài niệm, nhớ về quá khứ là khi họ “bắt đầu già”. Nhưng điểm khác nhau là ở chỗ: có người hoài niệm rồi chìm đắm luôn vào những gì đã qua, mang nặng sự u hoài, nuối tiếc. Có người nhớ những gì đã qua như một cách chọn lọc, rút tỉa kinh nghiệm cho chính mình, để biết yêu những gì chừng rất bình thường mà mất rồi sẽ tiếc, để biết nhìn quá khứ mà sống cho hiện tại để hướng đến một tương lai.

Lại có người vì bận rộn mà không thưởng thức trà tại nhà thường xuyên, thi thoảng mới tranh thủ cuối tuần mà rong chơi bên tách trà đời. Những khi ấy, một chung trà nóng nhỏ sau bữa ăn sáng ngoài hàng, hay một ly trà đá kiểu miền Nam sau mỗi bữa cơm trưa … cũng khiến cho bữa ăn thêm trọn vẹn.

Trà thường ít được uống vào buổi tối vì sợ sẽ khó ngủ. Nhưng cũng đã có nhiều loại trà được giới thiệu là tốt cho sức khỏe và sắc đẹp mà lại không làm mất ngủ dù có uống muộn trong ngày đi nữa. Một hôm nào đó, bạn thử xem.

Thời điểm uống trà là thế. Còn về không gian uống trà?
Người kể chuyện trà cũng có một không gian riêng để thưởng thức trà như hình của bài viết. Khi nào có dịp và đủ duyên, mời bạn đến dùng trà với Người kể chuyện trà bạn nhé. Nếu bạn có được một không gian cho riêng mình dùng trà như thế, thì quá tuyệt vời. Còn như không, hãy chọn thời khắc lòng mình thấy yên ả nhất, thanh tịnh nhất mà nâng chén trà - độc ẩm, song ẩm hay quần ẩm đều được. Ấy thế nhưng, lại có bạn bảo rằng, tôi đang không yên ả, tôi đang không nhàn nhã … thì tôi mới tìm đến trà để lòng mình lắng lại, để cuộc sống nhẹ nhàng trôi đi.

Thật ra, không có gì là mâu thuẫn cả. Người chỉ thưởng thức được trà khi lòng thanh tịnh. Người lại ước mong một tách trà có thể tạo nên chiếc cầu nối đến Trà - Thiền, để mình học được cách yêu thương cuộc đời và giữ cho tâm tịnh, mặc những biến cố ngoài kia.

Dù bạn thuộc tuýp người nào, hãy cứ hạnh phúc, hãy cứ nhàn nhã khi có dịp nâng trên tay tách trà, bạn ạ. Hạnh phúc ở đâu đó quanh ta thôi, khi ta mở lòng.

Thời hiện đại, những vật dụng giữ nhiệt rất tốt có thể phục vụ việc uống trà một cách thuận tiện cả ngày. Tôi vẫn giữ thói quen uống trà buổi sáng hoặc uống trà lai rai trong ngày. Cứ pha sẵn một ít nước cốt trà, để trong bình giữ nhiệt, pha thêm ít nước sôi rồi cứ thế, nhẩn nha uống trà cả ngày khi vẫn đang còn cố gắng giữ đam mê cho công việc.

Lâu lâu, ngày nghỉ đến rồi...cũng nên dành chút thời gian cho mình, trầm ngâm với những gì mình yêu thích (một quyển sách hay trên tay, những câu chuyện hấp dẫn được kể qua các giọng đọc sách nói, v.v…), thưởng thức những tách trà yên bình, thấy lòng thảnh thơi đến lạ, như thể ngày mai ấy vẫn là một ngày hạnh phúc mà mình từng có chứ không phải chỉ bão giông đang đợi đâu đó quanh mình.

Đánh giá

HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên

https://trathainguyen.net.vn

https://trathainguyentancuong.vn

https://trahoalai.vn

 


ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com

  • Văn Phòng Hà Nội: 603 Nguyễn Văn Giáp, Mỹ Đình, Hà Nội. 
Đang truy cập: 94
Trong ngày: 664
Trong tuần: 1216
Lượt truy cập: 2195088
1
Bạn cần hỗ trợ?