Sau cả tháng mưa, lạnh, mặt trời mới chịu nhô ra khỏi mờ mây, tỏa nắng ấm xuống vùng đất thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên. Những sợi nắng làm đường lên ATK Định Hóa; đến hồ Núi Cốc và những điểm du lịch của tỉnh trở nên khô ráo. Nhân đó, tôi cùng các bạn đồng nghiệp theo chân du khách về thăm những vùng chè bạt ngàn xanh ở Tân Cương (TP Thái Nguyên), Minh Lập (Đồng Hỷ), Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương) và La Bằng (Đại Từ)…
Đó là vùng đất gắn cùng thương hiệu “đệ nhất danh trà” của Thái Nguyên.
Nông dân Thái Nguyên thu hái chè bằng máy |
Theo ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên: Hiện toàn tỉnh có hơn 21.000 ha chè, trong đó có hơn 17.000 ha chè đang cho thu hái, với năng suất đạt gần 112 tạ búp tươi/năm, tổng sản lượng đạt trên 194.000 tấn (tương đương 38.800 tấn sản phẩm chè khô)... Từ lâu, chè trở thành cây kinh tế chủ lực của ngành nông nghiệp Thái Nguyên. Với giả định trung bình 1 kg chè thành phẩm được bán với giá 300.000 đồng, thì mỗi năm cây chè mang lại cho nông dân Thái Nguyên số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Một con số ấn tượng. Tôi thấy lòng mình rạo rực, như lây niềm vui của cư dân thủ phủ chè Thái Nguyên. Chẳng thế, gặp chúng tôi, nhiều nông dân đã phấn chấn nói chuyện về nghề trồng chè, chế biến chè và nghệ thuật thưởng chè. Có người còn xòe đôi bàn tay cho chúng tôi xem, bảo: Đây là bàn tay vàng. Tôi nắm lấy, cảm động, vì để làm nên thương hiệu bàn tay vàng, gần cả cuộc đời của nghệ nhân vùng chè phải đảo xoa trên lửa, làm từng ngọn, búp của cây chè trở nên tinh túy.
Nhìn bên triền đồi có từng lõng chè vươn dài như vòng tay sơn nữ, mềm mại ôm lấy quầng ngực nở căng của chàng lực điền, từng nhóm nông dân tíu tít trò chuyện, nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt thu hái từng búp chè. Cảnh và người ở vùng chè Thái Nguyên gợi cho tôi liên tưởng đến những vùng chè của Mộc Châu (Sơn La), Suối Giàng (Yên Bái), Cầu Đất (Lâm Đồng)… Đâu cũng non nước mình cả, nhưng vùng đất Thái Nguyên vẫn là địa danh cho con người sản phẩm chè tinh túy, thượng hạng nhất.
Do có địa hình phong phú, nên từng vùng chè ở Thái Nguyên lại tạo ra khung cảnh riêng. Dù mỗi nương chè đều được chia làm nhiều lô nhỏ, trong lô chè lại chia thành hàng lối, thuận việc đi lại, thu hái. Từ xa nhìn lại, thấy tựa một bức tranh phong cảnh đẹp mê hồn. Có điều lạ là bức tranh thiên nhiên của vùng chè liên tục thay đổi màu sắc theo thời gian, bởi cái mầu non tươi mỡ màng của nương chè vào độ tủa búp, khác với sắc màu xanh đen của nương chè vừa được bàn tay “nghệ sĩ” thu hái.
Nhất là lúc được mục sở thị về cách thu hái, chế biến chè của nông dân, chúng tôi mới nghiệm ra: Đôi bàn tay của nông dân vùng chè khác nhiều với đôi bàn tay của nông dân cầm cuốc, cầm liềm, bởi việc thu hái chè đều nhờ vào 10 ngón tay. Và từng ngón tay thon, mềm ấy được tôi luyện trên chảo lửa kể từ lúc búp chè còn tươi xanh, cho đến lúc khô giòn. Đó là đôi bàn tay cảm nhận được nhiệt lượng củi lửa, để cả trăm búp chè sau khi chế biến đều như một, khô đanh lại, uốn thành hình móc câu và có mầu mốc cau.
Những ngày đầu xuân, nhiều người về vùng chè để trải nghiệm cùng nông dân |
Sự cầu kỳ, công phu trong chế biến thực chất chỉ làm cho sản phẩm chè được đẹp mã. Mà chè Thái Nguyên ngon, điều khẳng định là do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp. Người Việt Nam ai cũng biết điều đó, nên khi có dịp về Thái Nguyên thường mua cân chè làm quà cho người thân. Cách đây ít năm, do điều kiện đi lại khó khăn, nên thường mua chè ở chợ, người không sành có thể mua nhầm phải chè ở tỉnh khác mang đến. Còn những năm gần đây, giao thông thuận lợi, việc giao thương giữa người mua và người bán chè tại Thái Nguyên trở lên gần gũi hơn. Người mua chè trong, ngoài tỉnh thường tìm về các vùng chè đặc sản để thăm thú rồi mới mua. Những vùng chè vì thế trở thành một trong những điểm đến của du khách thích khám phá và có ham muốn gần gũi với thiên nhiên.
Với du khách có trí óc tưởng tượng thì vùng chè Thái Nguyên còn là nơi khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật. Nhất là buổi sớm mai lúc bình minh thức dậy, giữa những tia nắng ấm xiên ngang, gặp sơn nữ nón lá chao nghiêng cả nương chè, cùng đôi tay mau mải như vờn múa giữa mềm mại chồi xuân. Để khi chiều về, mặt trời còn lấp ló ở rặng Tam Đảo, ánh hoàng hôn hồng rực như muốn vớt vát chút thời gian của ngày.
Vẫn những sơn nữ với nón lá chao nghiêng trời chiều, song có gì đó như hoa, như nụ, có lúc tựa tiên nữ lướt nhẹ nhàng trên thảm chè xanh, khiến bao tao nhân mặc khách dùng dằng chẳng muốn về. Còn tôi, khi đó lại nhẩn nha nghĩ suy: Từ năm 2011 đến nay, Thái Nguyên đã có 3 lần festival chè, và từ những mùa hội tôn vinh cây chè, nhiều vùng đất của quê hương Thái Nguyên được bạn bè trong nước, quốc tế biết đến.
Những vùng chè đang thức dậy một tiềm năng du lịch. Nhưng vui nhất phải kể đến việc xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương đã thành hiện thực. Tôi chắc rằng không lâu nữa, vùng chè Tân Cương và các vùng chè của tỉnh Thái Nguyên sẽ thực sự thành một điểm đến lý tưởng cho du khách. Bởi về đây, mỗi người được hòa mình với vùng đồi đất bạt ngàn từng đồi chè nối tiếp nhau chạy tít tắp; được hà hít không khí trong lành, có hương thơm của trời - đất quyện hòa và được ẩm trà, vịnh thơ…
Rồi sau những trải nghiệm, khám phá về vùng đất lấp xấp đồi đất gắn với câu chuyện huyền thoại chàng Cốc, nàng Công, du khách có thể ghé thăm Không gian văn hóa chè. Đây được ví như Bảo tàng của ngành chè Việt Nam, cùng thưởng ẩm, chiêm ngưỡng những cổ vật tinh hoa có liên quan đến cây chè, thưởng chè của người Việt từ hàng trăm năm trước đây.
Những vùng chè của Thái Nguyên luôn mới lạ, hấp dẫn cùng lòng người mến khách. Song tôi cũng như bao người dân của Thái Nguyên, có tâm nguyện nơi quê hương “đệ nhất danh trà” sẽ thực sự trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Từ làm chè, nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên thoát nghèo |
Theo Phạm Ngọc Chuẩn
Đánh giá
HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
https://trathainguyentancuong.vn
ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com
<