Lê Sơn Hải - chàng cử nhân báo chí về quê khởi nghiệp trên đồi chè Thái Nguyên và đầm sen có sẵn của gia đình. |
Hải sinh ra ở làng nghề chè thuộc xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên. Vùng chè đặc sản Tân Cương Thái Nguyên này đã nuôi sống biết bao người dân ở đây và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Mặc dù đó là nghề truyền thống, gắn bó từ nhiều đời, nhưng bố mẹ Hải lại không muốn con trai nối nghiệp gia đình mà hy vọng con được ra ngoài, làm một công việc "sạch sẽ và nhàn hạ" hơn. Chàng trai trẻ chia sẻ ngay từ đầu đã có nguyện vọng được ở nhà theo nghề truyền thống nhưng bố mẹ nhất quyết không đồng ý. Anh chàng đành phải đi xin việc cho bố mẹ vui lòng. Trong thời gian đi xin việc, Hải kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ. Sau nhiều cố gắng, Hải cũng có được cái gật đầu để được sống với niềm đam mê của một người nông dân.
Vào tháng 8/2015, chàng cử nhân báo chí khởi nghiệp trên đồi chè, đầm sen sẵn có của gia đình với vốn liếng duy nhất là đam mê và một chút kinh nghiệm làm chè từ trước đó. Hải khi ấy muốn chè mình làm ra phải là chè hữu cơ, từ khâu trồng chè, chăm bón, thu hái, sao và thành phẩm đều được làm theo quy trình khép kín. Đồi chè rộng 1 hecta và được bón phân hữu cơ 100%, trong đó là phân chuồng hoai mục và đỗ tương ủ.
Chàng trai trẻ cũng tự trồng hoa hồng, hoa sen vì muốn đảm bảo tất cả khâu nguyên liệu làm trà đều sạch 100%. Để đảm bảo chất lượng của chè đúng như tâm huyết và đam mê của mình, Hải không thuê người làm trong các khâu hái hoa và ướp trà mà tự tay làm. Anh cũng là người bón phân làm cỏ cho đồi chè và đầm sen của gia đình. Chỉ duy nhất công việc hái chè là Hải thuê người làm cùng.
Hải trồng cả hồng ngoại và hồng việt cổ để sấy làm trà. |
Giống sen trồng trong đầm sen rộng 3600m2 của gia đình Hải là giống sen Hồ Tây và sen Quan Âm. Hải chọn trồng hai giống sen này vì theo anh nó cho hương vị ấn tượng. Theo kinh nghiệm của Hải, để chè sen cho đúng hương vị, đầu tiên phải tuyển chọn những bông hoa sen mới chớm nở, còn nhiều hương nhất thì khi ướp mới ra hương vị của hương sen. Chè ướp cũng phải là loại chè chưa được lên hương.
Hiện đang là mùa sen nên gần như sáng nào Hải cũng đi thu hoa sen về để ướp trà. Theo như anh chia sẻ, chè sen có hai loại, chè ướp sổi và chè ướp khô. Trong đó chè ướp sổi lại có 2 loại, loại ướp trực tiếp trên đầm và loại thu bông về ướp.
"Chè ướp bông sen trên đầm chỉ được làm khi thời tiết có sương đêm mới giữ được tinh hoa giữa sen - trà - sương đêm. Người làm chè chỉ ướp chè qua đêm và thu ngay sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau, khi nhá nhem chưa sáng hẳn, ong chưa đi lấy mật, khi trà đã quyện hương sen. Với loại thu bông về ướp, cũng cần thu khi trời chưa sáng, nhiều sương đêm thì hôm đó hoa sen sẽ rất thơm. Ngoài ra phải thu hái những bông mới chớm hé nở".
Sau đó Hải đi hái chè, nếu không thì lại làm cỏ, bón phân. Ngoài trà mộc, trà sen, Hải còn làm cả trà nhài. Hải cho biết tùy theo thời tiết mà hái hoa nhài. "Nếu trời âm u thì sẽ hái hoa buổi chiều, nếu trời trăng sao thì lại hái nhài vào buổi tối vì khi ấy hoa nhài nở cho hương thơm tuyệt nhất". Sau khi hái về, khoảng 9 -10h tối, Hải bắt đầu ướp trà nhài.
Bí quyết để chè ngon và mang hương vị đặc biệt theo Hải nằm ở trong chính cái tâm làm nghề của mình. "Làm chè là làm thức quà tinh hoa của trời đất ban tặng, nên người làm chè chân chính cần tỉ mỉ trong tất cả các khâu, không vội vàng, không lo lắng, vô lo vô nghĩ".
Ngoài trồng sen, hồng, còn có cả nhài để làm trà nhài |
Khởi nghiệp không một chút lo lắng, đắn đo dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư và đầu ra sản phẩm, vì không phải ai cũng hiểu giá trị của chè hữu cơ, nhưng Hải vẫn "dấn thân". Chàng trai trẻ thời gian đầu khắc phục khó khăn bằng cách đi học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế, tự tìm các giải pháp để nâng cao giá trị của chè cũng như nuôi dưỡng đất. Hiện tại mọi hoạt động đã đi vào ổn định. Đồi chè và đầm sen cho thu nhập khoảng 20 triệu/ tháng sau khi đã trừ hết chi phí.
Khi được hỏi có tiếc những tháng ngày học đại học của mình không, chàng trai trẻ trả lời chẳng coi đó là những tháng ngày phí hoài vì đó là quãng thời gian ý nghĩa. "Dù không theo ngành nghề mình đã theo học trong suốt 4 năm trời, dù đã rẽ ngang sang hướng hoàn toàn khác, nhưng thời gian học đại học vẫn có giá trị với mình. Vì học không chỉ là học tri thức, mà còn là học đạo đức, đối nhân xử thế".
Sắp tới Hải có ý định đem chè đi kiểm định và đăng ký thương hiệu riêng. Ngoài ra anh cũng muốn quy hoạch lại các khu thành một hệ thống để có thể chăm sóc một cách dễ dàng hơn. Một ước mơ xa hơn nữa là mở cửa vườn chè để mọi người có thể đến trải nghiệm các công đoạn làm chè để thấu hiểu được sự vất vả của người làm trà.
Hải - chàng cử nhân báo chí năm nào đã không lựa chọn một công việc "sạch sẽ và nhàn hạ" hơn như bố mẹ kỳ vọng. Nhưng với chàng trai này, được sống, làm việc đúng với đam mê của mình dù vất vả nhưng lúc nào cũng vui và mãn nguyện.
Vạn sự khởi đầu nan
Lời chào hàng “Trà sen Bách Diệp Tây Hồ - Trà Tân Cương Thái Nguyên tiêu chuẩn VietGap” khiến tôi tò mò tìm đến Nhà phân phối trà Xuân Doanh trong con ngõ nhỏ 234 đường Hoàng Quốc Việt. Gặp anh chị càng hiểu hơn về những táo bạo có phần “mạo hiểm” khi dành gần như toàn bộ vốn liếng của mình đầu tư vào lĩnh vực này với mong muốn khách hàng được thưởng thức trà sen Tây Hồ chính hiệu.
Pha một chén trà cầu kỳ trong căn phòng nhỏ ở đường Hoàng Quốc Việt, đôi vợ chồng trẻ quê ở Thái Nguyên đã tâm tình về những dự định, những tâm huyết của mình từ những ngày đầu “chân ướt chân ráo” rời quê về Thủ Đô lập nghiệp cách đây hơn 2 năm.
Mang trong mình một khát khao làm giàu từ đặc sản của quê hương, anh Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ: Tôi có may mắn được sinh ra và lớn lên ở đất trồng chè, tuổi thơ của tôi gắn liền với bạt ngàn những đồi chè xanh mướt, nên dường như thú vui uống chè hàng ngày đã như ăn vào máu nhiều năm nay. Cho đến một ngày, tôi quyết tâm rời quê xuống Hà Nội mở đại lý phân phối trà, cung ứng chủ yếu trên địa bàn Thủ đô. Nhưng rồi, sau hơn một năm tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và học hỏi cách thức ướp trà, vợ chồng tôi quyết tâm tìm một ngã rẽ mới, đó là trà sen Bách Diệp Tây Hồ này.
Ý tưởng của anh Doanh chị Xuân là một bài toán khó khi mà trên thị trường, trà sen Tây Hồ chính hiệu đã trở thành một thứ đặc sản trứ danh nhiều năm nay. Điều khó khăn chính là thị trường tiêu thụ, làm sao để khách hàng biết đến sản phẩm này khi mà đối tượng thưởng thức không hề “dễ chiều”, món ngon tới tay người, chắc hẳn không thể ngày một ngày hai. Và điều ấy đồng nghĩa với rất nhiều công việc phải thực hiện, nhiều cách thức quảng bá để mọi người có thể biết đến sản phẩm thực tế.
Hiểu rằng “vạn sự khởi đầu nan” chị Triệu Thị Xuân, vợ anh Doanh luôn đồng hành, ủng hộ chồng, chị từ bỏ công việc ở một công ty lớn trên quê nhà để khăn gói xuống Hà Nội cùng chồng khởi nghiệp. Hai vợ chồng dồn hết tâm huyết, tài sản của gia đình để đầu tư vào lĩnh vực này. Việc đầu tư không hề nhỏ so với những gì mà anh chị tích cóp, chắt chiu nhiều năm nay.
Theo chia sẻ của anh Doanh, nếu muốn có sự bền vững, ổn định thì luôn phải chủ động về nguyên liệu. Về nguồn trà, với anh Doanh chị Xuân thì rất dễ dàng bởi gần như chỉ cần nhìn vào cánh trà, anh chị đã biết đâu là loại ngon, loại đảm bảo chất lượng. Còn với nguồn sen, sau nhiều ngày tận tụy tìm hiểu, cuối cùng cũng nhờ cơ duyên, anh chị Xuân Doanh đã gặp gỡ được một “quý nhân” và thầu được một đầm sen lớn giữa lòng Thủ đô. Theo như chị Xuân kể, người bạn của gia đình sau một lần uống thử trà Tân Cương của cửa hàng và nghe được dự dịnh của anh chị đã quyết định cho anh chị thầu lại đầm sen mà từ trước đến nay chỉ được trồng để làm nơi thưởng lãm. Sự may mắn ấy đã tạo nên một động lực lớn để đôi vợ chồng dồn công sức vào lĩnh vực này.
Không phải là doanh nghiệp với những tính toán lời lãi quá nhiều nên việc tìm hiểu và đầu tư của họ cũng không theo cách thức thương mại hóa. Họ chỉ tận tụy tự tay làm phần lớn các công việc, từ thu mua trà của gia đình, làng xóm đến việc sáng sớm hai vợ chồng cùng nhau ra đầm sen ướp từng gói trà, đếm từng cánh sen nở.
Chị Trần Thị Xuân chia sẻ: Chị đã đọc rất nhiều sách, học hỏi nhiều người để tìm ra cách ướp trà sen tốt nhất. Lựa chọn sen để ướp trà cũng phải rất cẩn thận và tỉ mỉ vì chỉ có loài sen Bách Diệp (tức là sen Quan Âm) mới là loại sen ướp trà ngon nhất. Mùa sen Hà Nội vừa qua, hương sen thanh khiết, cứ 4h sáng tôi lại ra đầm sen ướp trà. Thời điểm này, mặt trời chưa mọc, khi đóa sen mới mở vừa độ và vẫn còn đọng sương, lúc đó tâm hồn người ướp trà cũng an nhiên, thư thái... Tôi không phải là người Hà Nội nhưng tôi đã tìm hiểu rất nhiều về nghề "Ướp trà sen", từng ngắt sen Bách Diệp trồng ở Tây Hồ về so sánh với sen ở đầm nhà mình và đúng là cùng loại sen Bách Diệp khi ướp cho ra hai loại trà sen ngon như nhau. Lúc đó cảm giác thật sự vô cùng hạnh phúc...
Túc tắc, tận tâm với tấm lòng hướng thiện
Nhấp chén trà thơm, quả thực khó cầm lòng bởi hương vị đậm đà của sen quyện với chút ngọt chát dịu mát của trà Tân Cương. Nước trà sen xanh mát mắt, rất ấn tượng. Thường thì món trà khi đã ướp sen sẽ có màu nước hơi đỏ đậm nhưng lạ lùng là trà sen ở đây nước vẫn xanh trong, uống cả tiếng đồng hồ vẫn thấy ngòn ngọt trong miệng.
Tôi vốn là người rất thích thưởng trà Thái Nguyên, cũng uống khá nhiều loại trà, thậm chí có những loại rất đắt đỏ nên nhìn nước có thể đánh giá được trà nào ngon. Chia sẻ về điều này, chị Xuân tâm sự: Trên thị trường trà sen được bán rất nhiều nhưng có những loại trà màu nước bị đỏ chính là bởi nguồn nguyên liệu trà chưa chuẩn vì thế mà dù ướp trà đúng cách thì cũng vẫn khó giữ được màu trà.
Nguồn trà sạch và đảm bảo chất lượng cũng không phải dễ kiếm tìm nếu như không thông hiểu về cách thức trồng, chăm sóc chè. Theo anh chị Xuân - Doanh, có khi cả làng trồng chè nhưng chỉ được có một vài gia đình trồng đúng chuẩn vì thế mà anh chị đã đầu tư rất kĩ công đoạn thu mua này. Kể cả người trong gia đình có trồng chè mà không đạt tiêu chuẩn VietGap anh chị cũng nhất quyết không mua.
Thậm chí, anh Doanh còn cất công đi nhiều tỉnh để mua các loại trà mang về uống nhằm so sánh chất lượng. Anh bảo, tất cả các loại trà từng thử đều không loại nào bằng Trà Tân Cương quê anh nên anh nghĩ đó không chỉ là một may mắn mà còn là một “nhân duyên”. Từ đó, mọi tâm huyết anh chị dồn vào việc làm trà sen, mặc cho việc đầu tư ban đầu khá lớn mà hàng hóa thì chưa bán được nhiều, chủ yếu mới gửi biếu và chào hàng theo kiểu lấy công làm lãi.
Dĩ nhiên là, còn quá nhiều công việc phía trước, đòi hỏi sự kiên trì và tiếp tục nỗ lực hơn nữa của đôi vợ chồng trẻ nhưng có lẽ “quả ngọt” đang chờ đợi họ phía trước bởi thị trường hiện vẫn đang rất mở, rất cần những sản phẩm chất lượng, được làm bằng “chữ tâm” và vì lợi ích khách hàng. Anh Doanh tâm sự: Chúng tôi chỉ nghĩ cứ cố gắng hết mình với công việc này, đem đến những sản phẩm đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng hài lòng và đón nhận. Vợ chồng tôi vẫn bảo nhau, chắc chắn mình làm tốt, làm tử tế thì trời không phụ. Còn bây giờ cứ túc tắc, tận tâm với tấm lòng hướng thiện và cố gắng quảng bá đặc sản của quê hương mình, xa hơn nữa là xây dựng được một thương hiệu trà sen Bách Diệp trên thị trường.
Hương sen lan tỏa từ ấm trà vừa pha, thưởng trà quả thực làm cho tâm hồn người thư thái. Nhìn trà sen lại nghĩ đến ngày Tết, mọi người thường săn lùng trà ướp hoa sen tươi để thưởng thức và làm quà tặng ngày Tết. Đó vốn là nét văn hóa ẩm thực của những người thành đạt, tinh tế và biết hưởng thụ. Người tặng và người nhận trà sen đều sẽ đón nhận được hương vị thanh tao của thức quà mang đến an lành, may mắn. Cũng tin là, với tâm huyết ấy, anh chị Xuân Doanh cũng sớm có được một “chỗ đứng” nào đó trong lĩnh vực này, mong là trà sen Bách Diệp Tây Hồ ngày một nhiều người biết đến và sẽ đến được tay nhiều người tiêu dùng thông thái.
Xem thêm:
Đánh giá
HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
https://trathainguyentancuong.vn
ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com
<