ĐI TÌM ÔNG TỔ CỦA NGÀNH CHÈ TÂN CƯƠNG THÁI NGUYÊN
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Giỏ hàng (
)
che-thai-nguyen_tra-thai-nguyen_tan-cuong_bn

ĐI TÌM ÔNG TỔ CỦA NGÀNH CHÈ TÂN CƯƠNG THÁI NGUYÊN

Câu trả lời trước hành trình khảo sát nhanh về Trà Thái Nguyên nói chung và trà Tân Cương nói riêng


Chúng tôi đã trả lời câu hỏi của bạn Thaibinhminh04, hội viên Câu lạc bộ Trà Việt (Nhà văn hóa thanh niên Thành phố Hồ chí Minh) “ Nhiều ngành đều có ông tổ của ngành mình, nhưng ngành chè (trà) Việt Nam thì không thấy ông tổ là ai? “ trên trang Web của Câu lạc bộ 8/3/2008 như sau:

Hiện nay chưa phát hiện tư liệu lịch sử khoa học nào ghi chép về người trồng chè đầu ở Việt Nam. Trước hồi Pháp thuộc đã có vùng chè tươi châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam và vùng chè cổ thụ dân tộc miền núi phía Bắc. Gần đây mới có một thông tin ông nghè Sổ là ông tổ nghề chè ở xã Tân Cương, Thái Nguyên. Nhưng trà Thái mới nổi tiếng trong phạm vi một xã vào khoảng những năm 1960 – 1980. Còn dân tộc Lạc Việt đã uống chè tươi từ xa xưa, mà nhà bác học Lê quý Đôn đã ghi chép trong cuốn Vân Đài loại ngữ năm 1773. Còn chè mạn chế biến từ búp những cây chè Shan cổ thụ của đồng bào dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng … cũng chưa có tư liệu nào xác định được có từ bao giờ.

Hỏi chuyện những người cao tuổi tại Tân Cương

Để tìm hiểu về ông tổ làng chè Tân Cương, chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát nhanh (KSN 53 Trà Tân Cương) tại xã Tân cương , cách thành phổ Thái Nguyên 15 km.

Chúng tôi đã phỏng vấn Tổng Giám Đốc Công ty chè Hoàng Bình Đỗ thị Đức Lý, bà Nguyễn thị Học, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, 3 nông dân sản xuất chè gồm có ông Bùi Xuân Tiến, 65 tuổi (xóm Hồng thái 2), cụ Muộn 91 tuổi và bà Nguyễn thị Liễu 81 tuổi (xóm Guộc). Đồng thời tham khảo bài phóng sự của Nhà báo Hoàng Anh Sướng (Hiên trà Trường Xuân). Dưới đây là kết quả tóm tắt.


tr_thi_nguyen_5
 

TS Đõ Thị Ngọc Oanh - cụ Liễu - cụ Muộn

Cụ ông Muộn, 91 tuổi, quê Hà Tây, Thanh Oai; nông dân sản xuất trà. Vốn là bộ đội phục viên Trung Đoàn Thủ Đô 308. Sau 1953, thời kỳ cải cách ruông đất về Tân Cương, phụ trách công việc của xã. Nghe nói Ông Đội Năm vốn là lính sửa chữa máy bay của Pháp là người đầu tiên trồng chè ở Tân Cương. Đi lấy giống từ Phú Thọ về trồng. Có xưởng chế biến chè xuất khẩu. Sau cải cách ruộng đất Hợp tác xã có 60 – 100 mẫu chè, nhưng rồi tan rã. Ông nghè Sổ thành hoàng xã không phải ông tổ chè mà là ông Đội Năm.

Cụ bà Phan thị Liễu 81 tuổi nông dân sản xuất trà. Tôi có di hái chè thuê cho ông Đội Năm. Hồi đó còn ông tài Bốn, ông Đốc Lễ, ông Cựu Vận cũng đã trồng chè. Cây chè ông Đội Năm trồng ô vuông thưa 1 – 2 m, ngang dọc, tán cao ngang ngực, độ 1 m, mặt tán bằng cái nong. Hái chè 1 tôm 2 lá, tiền công 1 xu/ngày (hồi đó 1 bơ gạo giá 5 xu). Có bón phân gốc, đào hố bón một loại bã hay khô dầu.

Đối chiếu phóng sự của Hoàng Anh Sướng

Kết hợp với phóng sự của Hoàng Anh Sướng “Đắng đót … Tân Cương” trích dẫn dưới đây :
“ Gặp cụ Cường, 81 tuổi, người được xem là “cuốn biên niên sử” của làng “ Ai dám bảo ông tổ trà Tân Cương là người Trung Quốc ? ” Xưa kia, Tân Cương là một vùng rừng núi hoang vu. Năm 1919, sau khi đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, một số binh lính Việt Nam được tuyển mộ sang Pháp mãn hạn trở về, được Nhà Nước bảo hộ Pháp cho phép lên Tân Cương lập đồn điền khai khẩn đất hoang. Năm 1921, vùng Tân Cương đã có vài chục nóc nhà, trong đó có những ông đồ như cụ đồ Hai, cụ đồ Nhĩ... Là những nhà nho nên các cụ được ông Nghè Tuân là Tuần Phủ, người đứng đầu một tỉnh, kết bạn. Do không muốn bị phụ thuộc và cũng do khoảng cách khá xa với các xã lân cận nên dân Tân Cương xin với ông Nghè cho lập ra một xã riêng. Ông Nghè chuẩn y, cho tiến hành các thủ tục thành lập xã mới, lấy tên là Tân Cương. Sau khi xã được thành lập, ngày 10 tháng 2 năm Nhâm Tuất (1922) nhân dân Tân Cương mời cụ Nghè Sổ về cắm hướng đình và đình được chính thức khởi công xây dựng, hơn một năm thì xong. Để bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ, dân Tân Cương đã suy tôn ông Nghè Sổ làm thành hoàng làng và thờ sống.

Ngày ấy, Tân Cương đồi núi mênh mang, hoang vu rậm rạp, đêm đêm nghe tiếng nai tác, hổ gầm. Chuyện cọp về làng bắt trâu, lợn xảy ra như cơm bữa. Dân khai phá nương rẫy, gieo trồng lúa khoai, cực nhọc trăm bề mà đói vẫn hoàn đói. Lắm khi mấy tháng liền không nhìn thấy hạt gạo, chỉ ăn toàn sắn khoai. Thấy vậy, ông Nghè Sổ mới bàn với dân Tân Cương đem giống chè về trồng để có thêm thu nhập. Theo chỉ dẫn và có phần chu cấp của ông Nghè, ông Đội Năm là tiên chỉ đầu tiên của xã Tân Cương cùng một số trai tráng đã lặn lội lên Phú Thọ để xin giống chè. Ngày lại ngày, năm lại năm, Tân Cương chẳng mấy chốc đã choàng lên mình màu xanh mướt của các nương chè. Năm 1925, ông Đội Năm dựng xưởng chế biến chè Thái Nguyên, mở hiệu bán chè ở thị xã Thái Nguyên, rồi đặt địa chỉ giao dịch ở một số tỉnh thuộc 3 kỳ trong nước. Chè của cụ nổi tiếng đến mức năm 1935, mang đi thi tại đấu xảo Hà Nội, đoạt giải nhất. Các thương gia Ấn Độ hàng năm đều nhập của cụ hàng chục tấn trà. Chính vì công lao to lớn của cụ mà dân làng Tân Cương mới suy tôn ông Đội Năm là ông tổ trà”.

Để hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của “ông tổ nghề” Tân Cương, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Thuận ở xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên – hậu duệ của cụ Đội Năm. Một căn nhà nhỏ nằm đơn sơ bên những nương chè xanh ngắt. ở gian giữa, trên ban thờ, là bức ảnh cụ Đội Năm. Cụ Đội Năm tên thật là Vũ Văn Hiệt, sinh năm 1883 tại xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên – một chiếc nôi nức tiếng về nghề mộc. Thuở nhỏ, cụ đã phải làm ăn kiếm sống tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác. Cuộc chiến tranh thế giới bùng nổ, cụ bị thực dân Pháp bắt đi lính, làm khuôn đúc các chi tiết máy bay. Do giỏi nghề nên được làm đội trưởng. (do vậy dân Tân Cương gọi cụ là Đội Năm). Mãn hạn về nước, cụ cùng 11 người khác được chính quyền bảo hộ Pháp cho lên vùng Tân Cương khai khẩn đất đai, thành lập làng Tân Cương để sản xuất nông nghiệp. Vì có uy tín nên cụ đã được dân cử làm Tiên chỉ của làng Tân Cương thời đó.

Cụ là người đầu tiên đưa giống chè Phú Thọ về trồng và phát triển lên thành nghề sản xuất, chế biến. Xưởng của cụ lúc nào cũng có đến 4 – 5 chục nhân công thu hái, sao chế. Chè gói Tân Cương nhãn hiệu Con Hạc ngon nổi tiếng, bay ra cả thị trường nước ngoài. Cùng với vịêc khai khẩn đất đai phát triển nông nghiệp mà chủ yếu là trồng chè, cụ đã lập trường mời thầy dạy học cho con em nhân dân trong xã. Cụ có đầu óc tổ chức sản xuất và áp dụng cách làm nông nghiệp kiểu trang trại. Dân làng Tân Cương thời đó có biếu cụ một bức hoành và đôi câu đối viết bằng chữ Hán ”.

Kết luận cho hành trình tìm ông tổ

  1. Thông tin của cụ Cường rất khớp với Cụ Muộn « Ông Đội Năm là ông tổ nghề chè Tân Cương » Những chi tiết về đồi chè ông Đội Năm của cụ bà Liễu cung cấp như chè trồng ô vuông, tán to bằng cái nong ngang ngực, bón khô dầu chính là kỹ thuật đầu tiên (1918 - 1940) của Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp Phú Thọ hồi Pháp thuộc thành lập ngày 21 tháng 6 năm 1918. (Tham khảo Du Pasquier)

    Còn quy trình chế biến và thiết bị trà xanh do Kỹ sư người Pháp Goubeaux, khảo sát học tập từ Trung Quốc, Nhật Bản. Tiếp theo Rémond P. và Nguyễn Văn Đàm nghiên cứu ứng dụng triển khai tại Phú Hộ. Quy trình chế biến loại trà xanh sao chảo này chính là trà my (my trà) của Chiết Giang, Trung Quốc.

     
  2. Tóm lại giống chè Trung Du Bắc Bộ và quy trình sản xuất nguyên lệu và chế biến sản phẩm bắt nguồn từ Trung Tâm nông lâm nghiệp Phú Thọ thành lập năm 1918 là giống bản địa do Giám Đốc Kỹ sư Du Pasquier người Pháp gốc Do Thái, phân loại là Chine macrophylla, varietas Moyen Tonkin, dịch ra tiếng Việt là Trung Quốc lá to Trung Du Bắc Bộ. 
     
  3. Khí hậu, đất đai thổ nhưỡng và nông dân sản xuất trà Thái Nguyên nói chung đã sáng tạo ra trà Tân Cương danh tiếng có hiệu quả cao ngày nay, dựa theo Quy trình trồng trọt và chế biến là của TTNCPT Chè tại Phú Hộ - Phú Thọ, có tham khảo quy trình sản xuất chè my (my trà) của tỉnh Chiết Giang, trong vùng chè Hoa Nam của Trung Quốc.

    Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2008
In bài viết

Đánh giá

HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên

https://trathainguyen.net.vn

https://trathainguyentancuong.vn

https://trahoalai.vn

 

 


ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com

  • Văn Phòng Hà Nội: 603 Nguyễn Văn Giáp, Mỹ Đình, Hà Nội. 
Đang truy cập: 37
Trong ngày: 1143
Trong tuần: 3636
Lượt truy cập: 3788429
1
Bạn cần hỗ trợ?