HTX Trà Xanh Thái Nguyên được thành lập vào năm 2017, có tiền thân là tổ hợp tác sản xuất kinh doanh Trà Thái Nguyên, đã hoạt động được nhiều năm. Hiện, HTX đang có 41 thành viên, hộ liên kết, tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương đang tạo bước ngoặt, giúp HTX Trà Xanh Thái Nguyên (Tân Cương, Thái Nguyên) gặt hái thành công, mang lại giá trị cao cho thành viên, người lao động.
Hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX Trà Xanh Thái Nguyên chủ động đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô vùng chè nguyên liệu lên 10.000m2 theo quy trình VietGAP, bắt tay xây dựng thương hiệu, đồng thời, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm và an toàn lao động (ATLĐ).
Bà Đặng Thị Hồng Vân - Giám đốc HTX, cho biết: “Sản xuất an toàn là yêu cầu bắt buộc của HTX đối với các thành viên trồng chè nhằm đảm bảo cho nguồn nguyên liệu chè đầu vào luôn đạt được chất lượng cao nhất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và nâng cao ATLĐ cho người sản xuất”.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, trong quá trình sản xuất, HTX nói không với các loại hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai và các loại thuốc trừ sâu sinh học.
Điển hình, trong quá trình sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được HTX tính toán chuẩn về lượng và chỉ sử dụng vào thời điểm đầu sinh trưởng của vườn cây. Khi cây chè trưởng thành, các loại phân hữu cơ, ủ hoai sẽ được ưu tiên.
Trong quá trình sử dụng máy móc, các thành viên, người lao động của HTX được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, vận hành máy hiệu quả, đảm bảo năng suất lao động, tính an toàn trong quá trình sử dụng.
“Chính nhờ phương thức sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, nâng cao khoa học – kỹ thuật, giúp thành viên HTX yên tâm làm việc và phát huy hết khả năng trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn”, Giám đốc Đào Thanh Hảo nhấn mạnh.
Cùng với sản xuất an toàn, HTX đã chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cụ thể, HTX đã đầu tư nâng cấp hai nhà xưởng nâng tổng diện tích lên trên 1.000m2, dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín được tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất, các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng củi hay bằng điện, hàng chục máy vò chè đều đặt chế độ tự động.
Đại diện HTX cho biết tổng chi phí đầu tư hiện đại hóa nhà xưởng vào khoảng hơn 2 tỷ đồng. Công suất cũng từ đó tăng lên đạt 4 - 4,5 tấn chè búp tươi mỗi ngày. Bình quân mỗi năm, HTX chế biến được từ 1.350 - 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường mỗi năm từ 250 - 300 tấn chè búp khô.
Không chỉ nâng cao năng suất lao động, quá trình cơ giới hóa giúp thành viên HTX không phải trực tiếp tham gia vào các công đoạn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao như sao, cắt, trộn… đảm bảo ATLĐ cho đội ngũ sản xuất.
Ngoài việc đầu tư công nghệ thiết bị, nâng cao các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ, HTX đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đến các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản phẩm của HTX Trà Xanh Thái Nguyên được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng cao.
Được biết, trong thời gian tới, HTX sẽ tiến hành mở rộng quy mô sản xuất trà Thái Nguyên, tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng doanh thu, giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động.
Nổi tiếng với vùng chè ngon đặc sản Tân Cương, Thái Nguyên được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Chè là sản phẩm truyền thống của người dân nơi đây nhờ có mùi thơm mạnh, mùi cốm và bền, vị chát đậm dịu, hài hòa, ngọt, không có vị xít hoặc đắng, rất hấp dẫn. Chất lượng chè Tân Cương có được ngoài những điều kiện về tự nhiên còn là tập quán canh tác, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè của người dân ở khu vực này.
Cùng với chè Tân Cương, chè Đồng Hỷ (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) cũng là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây cũng là một trong 3 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp gồm: chè Đồng Hỷ; mật ong Phúc Thành; miến dong Việt Cường được Thái Nguyên tiếp tục lựa chọn, hoàn thiện, nâng cấp trong giai đoạn 2019 - 2025 tham gia chương trình OCOP. Sản xuất theo quy trình VietGAP, giá bán đạt 250.000 – 300.000 đồng/kg, cao hơn rất 4 – 5 lần so với canh tác theo phương thức truyền thống, mỗi 1 ha chè người dân nơi đây thu lãi 300 triệu đồng/năm.
Hiện trên địa bàn Thái Nguyên có 19.000 ha chè, trải rộng trên cả 9 huyện, thị xã, đang được chăm sóc với sản lượng hàng năm gần 200.000 tấn chè búp tươi. Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước, trong đó thị trường nội địa chiếm 70-80%, chỉ có khoảng 20-30% sản lượng chè chế biến xuất khẩu.
Để thương hiệu Chè Thái Nguyên vươn tới các thị trường ngoài nước, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên tại các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan. Đây cũng là thị trường trọng tâm của chiến lược xuất khẩu chè Thái Nguyên trong những năm tiếp theo.
Ngoài thương hiệu chè nổi tiếng thì tỉnh Thái Nguyên còn được nhiều người biết đến với gạo nếp Thầu Dầu (huyện Phú Bình). Hạt gạo to tròn, trắng đẹp, khi đồ lên có vị béo ngọt đậm đà, dẻo thơm đặc biệt mà không nơi nào có được. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu Phú Bình” năm 2012.
Năm 2016, UBND phường Cam Giá đón nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Cam Giá”. Nghề trồng hoa đào tại phường Cam Giá đã được hình thành khoảng hơn 20 năm. Hiện nay, làng nghề có 227 hộ trồng hoa đào với tổng diện tích hơn 8,5 ha và gần 45.000 cây đào các loại. Theo kế hoạch, Phường Cam Giá phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng tổng diện tích trồng hoa đào lên 15ha, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể Hoa đào Cam Giá.
Theo kết quả điều tra, rà soát và báo cáo của các địa phương, Thái Nguyên hiện có gần 200 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP, thuộc các nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm - trang trí - nội thất; và dịch vụ du lịch. Hiện tại một số hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã đăng ký các sản phẩm nông nghiệp có khả năng trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh như: Chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), miến dong của HTX miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ), rau an toàn của HTX rau an toàn Hùng Sơn và HTX rau an toàn xã Bình Thuận (huyện Đại Từ), tương nếp Úc Kỳ của Cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (huyện Phú Bình), gạo Bao Thai Định Hóa của các HTX trồng lúa thuộc huyện Định Hóa...
Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm mô hình “Mỗi làng một nghề” ở một số địa phương. Ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 để triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Đến tháng 3/2019 có 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Đề án, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “OCOP”.
Là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản chè Thái Nguyên, việc triển khai chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Ngày 12/9/2018, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch số 108/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến 2025”. Mới đây, hiện tỉnh Thái Nguyên đang triển khai các bước hoàn thiện Đề án OCOP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Đề án, tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP, nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, phương án, dự án sản xuất kinh doanh, tổ chức phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống trung tâm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, khu dân cư, siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính cấp tỉnh và huyện.
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Đề án OCOP của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025 là hơn 700 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hơn 70 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã hơn 60 tỷ đồng, vốn lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình trên 240 tỷ đồng và vốn xã hội hóa hơn 360 tỷ đồng...
Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên - cho biết, việc xây dựng OCOP góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình khi đi vào thực tế có ý nghĩa tích cực trong thay đổi tập quán sản xuất, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn, tiêu chuẩn hoá sản phẩm OCOP còn làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm từ 20% trở lên...
Đánh giá
HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
https://trathainguyentancuong.vn
ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com
<