Cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 10 cây số, đường đi rộng rãi, êm thuận, chỉ mất chừng 15 phút là du khách đã có mặt ở vùng đặc sản chè Tân Cương với những đồi chè thấp, trùng điệp, những luống chè được trồng ngay ngắn đẹp mắt.
Khi vùng đặc sản chè Tân Cương, bao gồm sáu xã Tân Cương, Phúc Trừu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà, trong đó Tân Cương là vùng “lõi” thuộc TP Thái Nguyên được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và Festival trà lần thứ nhất được tổ chức năm 2011, chè Thái Nguyên và vùng đặc sản chè Tân Cương được du khách biết đến ngày càng rộng rãi.
Không gian văn hóa trà Tân Cương tọa lạc tại xóm Soi Vàng, xã Tân Cương là nơi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival trà định kỳ hai năm một lần nằm ngay bên cạnh tuyến đường vào vùng trồng chè Tân Cương danh tiếng. Không gian văn hóa trà được xây dựng tinh tế, mái màu xanh, thể hiện màu của lá chè, đây là không gian bảo tồn, tôn vinh vùng đất và cộng đồng trồng, chế biến, kinh doanh chè.
Với nhiều tư liệu, hình ảnh, công cụ chế biến, pha chè, thể hiện các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của chè, thưởng trà... được trưng bày, đến Không gian văn hóa trà Tân Cương, du khách sẽ cảm nhận được quá trình hình thành, phát triển của nghề chè và văn hóa thưởng trà.
Giao thông thuận tiện, vào dịp cuối tuần, lễ, Tết, hàng nghìn du khách từ nhiều nơi trong và ngoài nước đến tham quan Không gian văn hóa trà Tân Cương. Đến với không gian này, du khách không chỉ được thưởng thức hương vị trà Tân Cương nổi tiếng, mà còn hiểu về nghề trồng, chăm sóc, chế biến chè. Từ đây, du khách có thể tỏa đi các ngả đường thăm quan những đồi chè san sát như bát úp nối tiếp nhau trùng điệp của vùng trung du, những luống chè được trồng thẳng hàng đẹp mắt, tìm hiểu đời sống vật chất, trả nghiệm văn hóa của người trồng chè ở địa phương.
Gia đình anh Trần Văn Thắng ở xóm Hồng Thái II xây dựng cảnh quan để du khách chụp ảnh kỷ niệm.
Tại xã Tân Cương, đến nay có một số gia đình, cơ sở sản xuất chè đón tiếp du khách tham quan, trải nghiệm. Ngay bên tuyến đường trục chính, cơ sở chè Thắng Hường do anh Trần Văn Thắng ở xóm Hồng Thái II làm chủ đã đầu tư xây dựng một khuôn viên nhỏ để du khách chụp ảnh. Đồng thời, gia đình anh Thắng sẵn sàng đón tiếp du khách đến tham quan nương chè của mình, mời vào nhà thưởng trà và ăn kẹo lạc miễn phí.
Anh Thắng vui vẻ chia sẻ: Mặc dù đón khách du lịch trải nghiệm không thu đồng nào, nhưng đổi lại khi ra về du khách mua chè của mình về uống, làm quà biếu là vui rồi. Đón đoàn khách 20-30 người, khi ra về mỗi người mua 1 kg chè thì mình cũng tiêu thụ được 20-30 kg chè.
Từ nhà anh Thắng, theo đường bê-tông xuyên qua đồi chè xanh ngát, hồ nước mát lành là đến cơ sở sản xuất chè Tiến Yên do Bùi Trọng Đại làm chủ lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp du khách trải nghiệm thu hái, chế biến chè, dùng cơm và ngủ ngay tại gia đình. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng Đại có tư duy vượt lên so với cộng đồng. Cách đây mấy năm, TP Thái Nguyên tổ chức khóa tập huấn phát triển du lịch sinh thái với đại diện của khoảng 40 gia đình tham dự, nhưng đến nay ở xã Tân Cương chỉ vài hộ làm du lịch sinh thái.
Anh Bùi Trọng Đại phát triển du lịch sinh thái trong đồi chè của mình.
Đến nay, Đại đã xây dựng hệ thống đường bê-tông nhỏ lên đến gần 1.000m trong khu vực đồi chè rộng hơn một héc-ta của mình để du khách tham quan chè, chụp ảnh cho sạch sẽ; đào ao tạo hồ nước, làm cầu, dựng lều trên hồ để làm nơi du khách ngồi thưởng trà, ngắm cảnh; tổ chức cho du khách trải nghiệm hái chè, chế biến chè, phục vụ cơm nước và chỗ nghỉ qua đêm. Với những dịch vụ như vậy, dù chưa nhiều nhưng Đại thu được phí, khi ra về du khách mua chè.
Tuy nhiên, ở vùng chè Tân Cương, làm được như Đại, anh Thắng không nhiều, cộng đồng ở địa phương chưa sẵn sàng với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Thậm chí, Đại phàn nàn, những đồi chè ở địa phương nối tiếp nhau, không hề có ranh giới, đôi khi du khách vượt khỏi danh giới diện tích chè của mình sang gia đình khác, làm cho gia đình ấy không vui.
Phần lớn người dân địa phương không muốn đón tiếp khách du lịch, vì không thu được gì, lại mất thời gian đón tiếp, pha chè tiếp khách, khách đến hái chè sợ làm hỏng chè, rẽ đất... Nguyên nhân làm cho phần lớn người dân ở vùng chè đặc sản Tân Cương chưa sẵn sàng với du lịch sinh thái là do chưa nhận thức được vai trò của du lịch góp phần thúc đẩy tiêu thụ chè. Chưa nhận thức được việc du khách mua chè ngay tại chỗ, góp phần khẳng định thương hiệu, nâng tầm chè Tân Cương.
Để thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm vùng chè đặc sản Tân Cương, trước tiên cần thay đổi nhận thức của cộng đồng, khuyến khích các gia đình có điều kiện đầu tư nơi ăn, chỗ nghỉ cho du khách, đào tạo ngoại ngữ, cải tạo, xây dựng những đồi chè đẹp mắt, tăng cường tuyên truyền... để thu hút khách du lịch ngày càng nhiều.
Nhiều vùng, miền thu nhỏ trong siêu thị
Dịp này, các mặt hàng đặc sản vùng cao như thịt trâu gác bếp, nấm hương rừng Sa Pa, măng khô Tuyên Quang, cá kho làng Vũ Đại, chả mực Quảng Ninh, nem chua Thanh Hóa, tôm chua xứ Huế hay những đặc sản phương Nam như bưởi hồ lô, dưa hấu vuông miền Tây Nam Bộ... đang được vận chuyển đến các trung tâm phân phối, chợ đầu mối lớn ở Thủ đô.
Nhộn nhịp không kém các chợ truyền thống, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, sieuthitainha, tiki, sendo... cũng xuất hiện nhiều quảng cáo rao bán các mặt hàng thực phẩm được người tiêu dùng lựa chọn dịp Tết cổ truyền như trâu, bò khô Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang với giá dao động từ 850.000 - 900.000 đồng/kg. Để kích cầu tiêu dùng, nhiều cửa hàng đã đưa ra chương trình khuyến mại, như mua 1kg thịt trâu khô loại 1, khách hàng sẽ được tặng kèm 1 túi chẳm chéo và 0,1kg măng chua khô hoặc rượu ngô hoặc 0,1kg hạt mắc khén...
Cùng với những đặc sản trên, món ăn nổi tiếng đông bắc Bắc Bộ - cá kho làng Vũ Đại cũng được nhiều người tìm mua. Trao đổi với PV, đại diện cơ sở chế biến cá kho Bá Kiến (tỉnh Hà Nam) cho biết, đến thời điểm này, món cá kho làng Vũ Đại do cơ sở chế biến đã nhận được 2.000 đơn đặt hàng, giá bán tùy thuộc vào trọng lượng và thông thường từ 1,5 - 4kg/nồi, với giá khoảng 600.000 - 1,5 triệu đồng.
Các loại đặc sản trà Thái Nguyên, miền không chỉ xuất hiện tại các chợ truyền thống, cửa hàng online, sàn giao dịch điện tử mà còn được bày bán rất phong phú trong hệ thống các siêu thị lớn. Tại siêu thị Big C đã đưa nhiều loại sản phẩm địa phương và đặc sản địa phương như trái cây Nam Bộ; các loại nước mắm Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết…; cốm làng Vòng, chả, giò, bánh chưng Ước Lễ (Hà Nội); hành, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi); chè Tân Cương (Thái Nguyên); cam Cao Phong (Hòa Bình); cam Vinh (Nghệ An); gạo nương (Tuyên Quang)… cùng hàng trăm mặt hàng lương thực, thực phẩm ba miền khác phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Tại hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ cũng ăm ắp các sản vật khắp nơi, sẵn sàng cho người tiêu dùng chọn lựa.
Phong phú và đa dạng hơn những năm trước, Tết nay, những giỏ quà Tết nông sản đậm phong vị Đà Lạt và một số địa danh nổi tiếng trong cả nước cũng được các nhà phân phối cho lên kệ, giá từ 500.000 – 1,5 triệu đồng/giỏ, với đủ các loại: Trà ô long, trà atisô, cà phê, mít sấy, khoai môn sấy, hạt điều vàng…
Những người đã từ học tập, làm việc ở nước ngoài cũng có thể hoài niệm hương vị xưa trong những ngày nghỉ ngơi, chơi và ăn Tết cùng gia đình với những món ăn được các siêu thị phân phối dịp này như cá khô Astrakhan, cánh và đùi ngỗng Nga, với giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg; thịt bò, thị trâu khô của Lào giá từ 750.000 - 800.000 đồng/kg.
Giá đặc sản tiếp tục tăng?
Chủ một cửa hàng thực phẩm đặc sản trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) chia sẻ: “Thời điểm này, hàng hóa bắt đầu tiêu thụ mạnh, trung bình mỗi ngày chúng tôi bán hàng chục, trăm kg sản phẩm các loại. Đặc biệt, những ngày cận Tết nhiều mặt hàng có khi hết sạch không còn để bán cho khách. Hàng còn dễ bị đội giá. Vì vậy, nhiều khách hàng muốn có hàng dùng ngày Tết thường phải đặt trước để vận chuyển từ các địa phương”.
Ngoài các mặt hàng đặc sản của núi rừng thì hải sản cũng là một sự lựa chọn của không ít người tiêu dùng Hà Nội. Theo đó, giáp Tết nhiều gia đình đã bắt đầu đặt mua tôm, mực, cua, ghẹ, sá sùng khô, chả mực… để tích trữ làm thức ăn đổi món sau nhiều ngày thịt mỡ, dưa hành.
Chị Kim Liên, trú tại chung cư Linh Đàm (Hà Nội), cho biết: “Cứ mỗi dịp Tết, mình lại nhập đặc sản quê mình (Sơn La) như thịt trâu gác bếp, lạp xường… để bán cho bạn bè trên này. Ngoài ra, mình cũng liên hệ với một số cơ sở chuyên sản xuất măng khô, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, các loại thảo quả, hoặc các loại gia vị đặc trưng của Tây Bắc như mắc khén, hạt dổi… nổi tiếng ở Điện Biên để bán thêm”. Hiện chị đã nhận khoảng hơn 100 đơn hàng đặt các loại đặc sản vùng miền khác nhau.
Vào dịp cao điểm Tết, cầu tăng nên không chỉ các chợ và hệ thống siêu thị mà các cơ sở nhỏ, người kinh doanh tự do cũng có cơ hội gia tăng doanh số bán hàng, thu lợi nhuận. Nhiều người bán hàng qua mạng dịp này nhận được hàng trăm đơn hàng cung cấp đặc sản. Theo đó, cứ mỗi một đơn hàng, có giá trị khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng, sau khi trừ hết chi phí, người bán có thể thu lãi 100.000 – 150.000 đồng.
Với sức mua như hiện nay, một số cửa hàng kinh doanh đặc sản dự báo, sau rằm tháng Chạp, giá bán các loại đặc sản vùng miền rất có thể sẽ tăng thêm khoảng 5-10%.
Chè là cây trồng thế mạnh của Thái Nguyên, sản xuất chè góp phần phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, nhưng rất cần có những giải pháp để nâng cao giá trị thương hiệu chè.
Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn, năng suất, sản lượng chè cao, nhưng chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm chè chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Khó khăn cần tháo gỡ
Trong những năm qua tỉnh đã quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển cây chè. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chủ yếu là các hộ gia đình, bên cạnh đó quy trình sản xuất, sơ chế chủ yếu theo phương pháp truyền thống, tỷ lệ chế biến công nghiệp, cơ giới hóa còn thấp, chủ yếu là nguyên liệu thô có chất lượng và giá trị kinh tế thấp. Liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, chưa quy hoạch được vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, khó khăn lớn nhất để phát triển nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng là việc tích tụ đất đai. Đất đai đã giao cho người dân sở hữu giờ muốn dồn điền đổi thửa cũng rất khó khăn. Ngoài ra, nhà nước đã có cơ chế trong việc liên kết nhưng người nông dân chưa mạnh dạn liên kết nên rất khó khăn trong việc quy hoạch các vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao giá trị hàng hóa.
Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên
Theo ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tỉnh Thái Nguyên, "trên thực tế, đứng trên cương vị là một người tiêu dùng tôi thấy nhiều doanh nghiệp ngành chè Thái Nguyên của chưa chủ động. Họ chưa biết cách tự quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình, chưa biết cách liên kết lại với nhau hình thành chuỗi sản xuất lớn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, HTX cho rằng tỉnh thiếu quy hoạch về vùng nguyên liệu đủ lớn, đủ sạch và đảm bảo an toàn thực phẩm".
Bên cạnh đó, ngành chè vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, bà Vũ Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên nhận định, việc nhân rộng kỹ thuật tiến tiến trong sản xuất và chế biến chè còn chậm. Ngoài ra dây chuyền sản xuất nhỏ vì vậy năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường chưa cao, chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm. Trong cơ cấu tổ chức sản xuất vùng chè vẫn có tình trạng quy mô hộ phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn làm đầu tàu để quản lý về kỹ thuật và đầu mối xuất khẩu…
Giải pháp từ thực tiễn
Ông Dương Sơn Hà – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên nhận định: Để nâng cao giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên thì giữa bên mua, bên bán và doanh nghiệp phải hình thành được hai mối liên kết. Về liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp: Các đơn vị phải liên kết với nhau để tạo ra những đơn hàng lớn và xây dựng được vùng sản xuất tập trung, nhưng hiện nay một số doanh nghiệp bây giờ không dám tự đầu tư.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hiện nay ở Thái Nguyên cũng khó khăn, do chủ yếu Thái Nguyên là quy mô nông hộ, việc dồn điển đổi thửa, tích tụ đất đai mới thực hiện khoảng gần 500ha so với quy mô diện tích mấy trăm nghìn ha đất nông nghiệp của Thái Nguyên là rất nhỏ, vì vậy sản xuất rất manh mún.
Ông Hà Quang Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương Thái Nguyên chia sẻ, ngoài việc hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn thiện các thủ tục, tiêu chí thì Trung tâm cũng hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá thông tin trên website, sàn giao dịch thương mại điện tử, bản tin kinh tế công thương.
Chè là cây trồng thế mạnh của Thái Nguyên, sản xuất chè góp phần phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững
Cùng với đó, Thái Nguyên đã công bố website chè tích hợp truy xuất nguồn gốc tỉnh. Xây dựng website chè tích hợp truy xuất nguồn gốc là một trong những giải pháp nhằm mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của cây chè và sản phẩm trà của tỉnh, cho phép truy xuất đầy đủ thông tin sản xuất, khẳng định sự minh bạch, bảo vệ uy tín cho sản phẩm của mình.
“Với phương châm “đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp”, chúng tôi tổ chức và giúp doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, trao đổi kinh nghiệm. Cùng với doanh nghiệp tham gia các buổi Hội nghị, hội thảo, kết nối cung cầu, tăng cường liên doanh, liên kết, tìm kiếm đối tác tiềm năng. Hàng năm tổ chức các lớp đào tạo tập huấn giúp nâng cao kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường,...” - ông Vũ nhấn mạnh.
Đối với chính quyền, bà Vũ Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết, thành phố cũng đã có nhiều giải pháp tích cực, như tập trung làm tốt việc quản lý vùng chè đặc sản Tân Cương theo quy hoạch chỉ dẫn địa lý đã được công bố để từ đó mời gọi các nhà đầu tư cùng với nông dân khai thác một cách có hiệu quả cái vùng “đất vàng” này. Đồng thời, đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò liên kết các doanh nghiệp, các HTX chè với nông dân trong sản xuất nguyên liệu, gắn lợi ích người trồng chè với doanh nghiệp và cùng hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi.
Về trách nhiệm, chiến lược của doanh nghiệp ngành chè, bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty cổ phần chè Hà Thái chia sẻ, "Công ty chúng tôi mục tiêu sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu trà mang tính chất phát triển bền vững chứ không manh mún, chộp giật". Chính vì vậy, Hà Thái luôn tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt đối với việc sản xuất kinh doanh phục vụ cả khách hàng xuất khẩu và khách hàng nội tiêu.
Bà Hiền cũng cho biết thêm công ty đã mạnh dạn tiếp tục trồng mới 20ha theo chương trình 4.0 từ vườn chè cho đến bàn trà theo một quy trình khép kín cao cấp nhất hiện nay. Trong 20ha đó công ty chè Hà Thái dành ra 5 ha chuyên sản xuất trà matcha, diện tích còn lại sản xuất các sản phẩm trà tinh túy cao cấp khác có nguồn gốc xuất xứ từ trà Thái Nguyên.
"Với mong muốn tạo ra những sản phẩm chè đặc biệt với giá trị rất cao, từ đó chúng tôi có thể tạo công việc và thu nhập ổn định hơn nữa cho người lao động, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng người sản xuất và người tiêu dùng. Đây là chiến lược của công ty cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp để phát triển bền vững, nâng cao giá trị của cây chè. Có như vậy thì doanh nghiệp mới đóng góp được trách nhiệm của mình với ngành chè, và từ đó ngành chè của tỉnh Thái Nguyên mới phát triển được bền vững, tiến đến hòa nhập và hội nhập quốc tế”, bà Hiền nhấn mạnh.