CÂU CHUYỆN...LUẬN ANH HÙNG
Biết bao nẻo xuân qua, biết mấy mùa lá rụng. Thế sự thịnh suy như nước hồ khi đầy lúc vơi khó đoán. Nhưng tuyệt nhiên, Anh Hùng thì thời nào cũng có. Theo định nghĩa thường từ xưa đến nay, đã gọi là Anh Hùng thì tâm phải mang chí lớn, mưu kế hiền lương, trên có thể nhìn thấu đất trời, dưới có thể nuốt cả vạn vật. Anh hùng đứng giữa hiểm nguy không biến sắc, đứng giữa rừng gươm biển giáo vẫn xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Trà dư tửu hậu, người người hay dùng chuyện Tam Quốc để bàn phiếm luận. Gian hùng thiên hạ có Tào Tháo, nghĩa đảm trung can có Quan Vũ, văn tài mưu lược có Khổng Minh, võ lược vượt trùng vây thiên binh vạn mã có Triệu Vân hổ tướng...ai ai cũng hào khí ngút trời. Tuy nhiên, mấy ai người có thể nhìn thấy một góc khác của Anh Hùng. Có những anh hùng, họ không xuất hiện trong ngời ngời ánh chớp như những vị anh hùng vừa kể trên, mà họ xuất hiện rất đời thường trong sự ẩn nhẫn, thất bại và cả sự dịu dàng yểu điệu…
Đã có một Điêu Thuyền, khi mà mười tám lộ chư hầu không giết nổi Đổng Trác, chỉ một mình Điêu Thuyền thắng nổi. Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi không thắng nổi Lữ Bố, chỉ một mình Điêu Thuyền thắng nổi. Dùng lả lơi làm chiến trường, dùng son phấn làm giáp trụ, dùng khoé mắt làm đao kiếm, lấy cái chau mày và nụ cười làm cung tên, dùng lời ngon ngọt nhỏ nhẹ mà bố trận, bầy binh, anh hùng má hồng quả đáng sợ. Bởi vậy cho nên, thế gian này ai dám bảo nữ nhi chẳng phải là anh hùng.
Đã có một Tư Mã Ý thua trận liên miên, suốt mấy chục năm cúi mặt xuống đất làm lẽ sống. Đứng trước một Ngọa Long Khổng Minh, Phượng Sồ Bàng Thống như rồng như phượng, ông chỉ ôm vào mình một con rùa rút cổ. Nhưng lịch sử đã chứng minh, Tư Mã Ý ẩn nhẫn mài gươm mấy chục năm để rút gươm ra đúng một lần an định giang sơn, đặt nền móng vững chắc cho hai con xây dựng nhà Tây Tấn. Ông là anh hùng rất đời thường vì không nhát gan, nhưng cũng là người biết kính, biết sợ đối thủ của mình.
Và...đã có những Anh Hùng không hiển hiện một cách dễ thấy như vậy. Họ ẩn sâu trong trang giấy, ngòi bút mà không một dòng chữ nào nhắc đến. Đó là những thôn dân trong cuộc chiến. Quân muốn đánh cần phải có lương thảo. Thiếu lương tất bại. Tài trí như Khổng Minh, nhưng sáu lần xuất quân Kỳ Sơn đánh Ngụy vẫn thất bại, do vấn đề then chốt nằm ở: thiếu quân lương. Do đó, đừng nhìn thấy vị tướng ra trận tay cầm bảo kiếm oai phong, mà xem thường bậc nông phu tay cầm cán cuốc. Tuy vị thế xã hội có khác nhau, nhưng tầm quan trọng lại ngang nhau. Có thực mới vực được đạo, anh hùng cũng là đạo, trước khi nghĩ và làm những điều cao siêu, thì phải nghĩ và làm được những điều bình thường nhất. Anh hùng cho lắm không qua đói, quân tử bao nhiêu cũng sợ thời là vậy…Thấy được anh hùng trước mắt đã là kỳ tài, nhưng thấy được anh hùng trong thầm lặng, hiểu được thiên thời, khiêm tốn và nhẫn nhịn, mới là người có chí định quốc an bang.
Câu chuyện luận anh hùng khép lại, Người kể chuyện trà chỉ muốn gửi gắm một thông điệp: Anh hùng không phải chỉ là người làm nên những chiến công hiển hách. Anh hùng đôi khi chỉ là một cô gái nhỏ, một bạn trẻ khởi nghiệp thất bại nhưng dám nghĩ dám làm, một em nhỏ lao vào dòng sông cứu bạn, một người nông dân bình dị… Và cả chúng ta nữa, bạn của tôi. Có một người hỏi mẹ Teresa - Người được nhận giải Noel Hòa Bình Thế Giới vào năm 1979 - rằng:” Làm thế nào để xây dựng hòa bình thế giới”. Mẹ trả lời:” Hãy về nhà và yêu thương gia đình của bạn”. Xây dựng được hòa bình thế giới thì đã là Anh hùng trong thiên hạ. Thế nên biết yêu thương gia đình, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái nên người, thì bạn cũng đã là Anh hùng rồi vậy...
Đánh giá
HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
https://trathainguyentancuong.vn
ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com
<