SÀI GÒN CON NÍT LẮM, MÀ CŨNG THIỆT GIÀ GHÊ !
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Giỏ hàng (
)
che-thai-nguyen_tra-thai-nguyen_tan-cuong_bn

SÀI GÒN CON NÍT LẮM, MÀ CŨNG THIỆT GIÀ GHÊ !

Trà Thái NguyênSÀI GÒN CON NÍT LẮM, MÀ CŨNG THIỆT GIÀ GHÊ !

Một người bạn không nhiều năm sống ở Sài Gòn, nhưng trải nghiệm thật đủ đầy trong từng ngày sống trên mảnh đất “dễ mà không dễ” ấy đã nói với Người kể chuyện trà Tân Cương Thái Nguyên rằng: Sài Gòn ngộ lắm, trẻ trung sôi động là thế, nhưng lắm khi ngẫm nghĩ lại, thấy cứ như một người già – già bởi thức khuya mà dậy thiệt sớm … Phải từng hòa vào nhịp sống Sài Gòn nửa đêm về sáng một lần mới thấy yêu Sài Gòn hơn.

Này nhé, Sài Gòn chừng hai mươi năm trước và xa hơn nữa, cuộc sống về đêm – hay cuộc sống buổi sớm mai đã ghi dấu trong lòng bao người những kỷ niệm đáng nhớ.

Đâu đó trong một xóm lao động, ngày mới bắt đầu với tiếng lách cách mở cửa, tiếng xe máy nổ giòn khi gà chưa kịp gáy của người đàn ông buôn cá từ chợ đầu mối về các chợ nhỏ. Đôi ủng cao su đen luôn có trong bộ đồng phục anh mặc đến chợ cá mỗi sớm mai. Tan buổi chợ rồi, anh nai nịt gọn gàng, đi làm việc nọ việc kia giúp người quen. Giọng nói rổn rảng như thể năng lượng chưa bao giờ cạn ở người đàn ông đã đi qua thời tuổi trẻ chưa lâu ấy. Mặc bao người chê cái nghề này, anh vẫn cần mẫn chọn công việc trái giờ giấc với nhiều người vậy.

hop_tra_bao_ngoc_600x800

 

Đâu đó bên bờ kênh Tẻ, tiếng còi tàu, tiếng ghe máy dập dìu một, hai giờ sáng. Những buồng chuối to, những quầy dừa trĩu quả, những đống khoai lang, khoai mì … cập bến trước khi được tỏa đi nhiều nơi trong thành phố.

Là chợ rau Mai Xuân Thưởng, chợ rau củ quả trái cây Cầu Muối (sau đã dời ra Thủ Đức) đèn sáng rực – như một ngày bình thường. Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh khuân vác hàng hóa lên xe đẩy rồi lại đẩy xe hàng về sạp, hoặc vác từ sạp hàng ra xe cho những người buôn sỉ. Thi thoảng họ nghỉ tay, uống ngụm nước trà mà chủ hàng hay “đồng nghiệp” đưa cho, quệt vội những giọt mồ hôi đổ ròng ròng trên mặt – những gương mặt dãi dầu sương gió, những gương mặt mới vào đời chưa lâu, và cả những gương mặt trẻ vị thành niên nữa.

Phố xá ồn ào, nhà lồng chợ đèn đuốc sáng choang … chợ đầu mối bớt nhộn nhịp khi gà lên tiếng gáy …

Thế rồi, Sài Gòn cũng chuyển mình sang cảnh mới nơi góc phố đông đúc, ở những con đường quen thuộc và cả ở một nếp nhà nhỏ thân thương … Chợ nhỏ hối hả dọn hàng từ Thủ Đức, Hóc Môn hay Chợ Lớn xuống. Đâu đó, lác đác vài cô đi chợ sớm làm mâm cơm cúng giỗ, hay đơn giản hơn, chỉ để sống nhịp sống trẻ của Sài Gòn. Nhành lựu nhỏ đương ra quả - cứ đong đưa đầu ban công một ngôi nhà. Tiếng rao “xôi khúc”, “xôi vò”, “bánh mì đặc ruột thơm bơ”, "bánh giò, bánh chưng" v.v… thi nhau làm cồn cào bao tử. Trước sân nhà (trong hẻm, ngoài đường), mấy cô bác lớn tuổi so mình trong lớp áo len mỏng. Ghế lấy làm bàn, bày ấm trà và vài cái chén con con ra. Xe xôi, xe bánh mì đi qua rồi vòng trở lại bởi những cái vẫy tay, những tiếng gọi thiệt chân tình: lấy chú gói xôi vò đi con; cho cô 2 ổ bánh mì, lựa ổ còn nóng đó…

Chỉ vậy đó, mà Sài Gòn bao năm vẫn còn dễ thương chi lạ. Nó cứ âm thầm vén vun đầy kỷ niệm, để thi thoảng lôi dần từng chút một ra … để lòng người Sài Gòn hoặc người sống ở Sài Gòn giờ đi muôn nơi, hay người vẫn còn mưu sinh trên mảnh đất này … thấy cồn cào vì nhớ … Nhớ Sài Gòn ngay cả khi đang ở giữa Sài Gòn. Vậy thôi.

CÂU CHUYỆN...HẠNH PHÚC ĐẾN TỪ ĐÂU?


Ngày chủ nhật, người bạn mà Người kể chuyện trà ngỡ chẳng bao giờ biết buồn bỗng gọi điện thoại bằng một giọng buồn bã: tao mệt mỏi quá, kiếm chỗ nào yên tĩnh, nói chuyện chơi.

Vào một quán quen, gọi một ấm trà, chút bánh ngọt … rồi lặng yên. Ta không nỡ phá vỡ không khí yên ắng của buổi sáng này, nhưng rồi, cũng phải mở lời: mệt rồi, thì dành cho mình khoảng lặng, để yêu thương đi, ít nhất cũng là yêu thương chính mình, yêu thương "hiện tại" này.

Bạn ngước lên, tay vẫn xoay tách (trà) chè Thái Nguyên, ánh nhìn như vào khoảng mênh mông: hạnh phúc, khó quá phải không? Sao mình cứ nhớ mãi những ký ức xấu mà không thể nào thoát ra được, cứ lẩn quẩn về nó ?

Bên ngoài quán, trời âm u như muốn đổ mưa. Những chiếc lá buổi sáng vương đầy bụi bụi bặm vì đã lâu không có trận mưa rào… Nhưng tôi biết chỉ ít ngày nữa thôi, khi mà trận mưa đầu mùa đổ xuống, thì những bụi bặm kia sẽ được gột sạch, rồi lá sẽ ánh lên màu xanh biêng biếc, hân hoan đón nhận những đổi thay của thời tiết, của cuộc đời. Chí ít, nó đã đánh đổi những phút giây chờ đợi để được tắm mình dưới mưa, để đến với những giờ phút xanh tươi cùng đời sống.

Thật chậm rãi, tôi vẽ vào không gian yên ắng những lời nhẹ nhàng:
Bạn biết không, ngày hôm qua, ở nơi quán nhỏ tình cờ ghé, tôi đã được ngắm nhìn một bức tranh với những dòng chữ:
Learn from yesterday,
Live for today
Hope for tomorrow
(Học từ ngày hôm qua, sống cho hiện tại, hi vọng ở tương lai)
Nếu ta cứ sống mãi trong ký ức (thường chất chứa những nỗi buồn khó quên) chứ không chỉ nghĩ về nó rồi rút ra bài học và bước tiếp, sống tiếp cho hiện tại, hi vọng ở tương lai thì ta thật đáng thương, và hạnh phúc sẽ thật khó đến bên mình.

Bạn trầm ngâm nhấp một ngụm trà.

Tôi vẫn còn mở lòng chia sẻ: Hạnh phúc, chính là khi ta ngộ ra được rằng, quá khứ có những điều giúp ta học hỏi được, nhưng ta cần sống cho hiện tại và tin tưởng, hi vọng vào ngày mai. Sẽ không nặng nề, không quá khó để hạnh phúc đến bên mình.

Như một hôm nào đó, tôi nhìn thấy ba mẹ ngồi thưởng trà chiều trong khu vườn nhỏ, trên chiếc ghế quen thuộc.

Như một hôm nào đó, gia đình tôi quây quần bên mâm cơm trong tiếng cười vui của con trẻ: món ăn hôm nay mẹ làm ngon quá, nước cam ba pha thật tuyệt!

Như hôm nay, tôi và bạn ngồi đây, cùng uống loại trà sen mà chúng ta đã uống nhiều năm rồi, bạn trải nỗi lòng bằng ánh mắt, bằng những lời không dễ thốt ra, tôi lắng nghe và chia sẻ.

Như một hôm nào đó, những bạn trẻ tuổi đang hừng hực lửa thanh niên, họ va vấp trên con đường mưu sinh nhưng vẫn còn đủ niềm tin và hi vọng để đứng dậy và bước tiếp.
Tôi gọi đó là hạnh phúc.

Ánh mắt bạn chợt sáng lên trong buổi sáng chủ nhật mà trời vẫn âm u, không nắng.

Rót thêm cho bạn một tách trà, tôi khe khẽ: trong cuộc đời ta, mỗi một sự gặp gỡ đều có lý do của nó. Sẽ có những người gắn bó thật lâu - như bạn và tôi. Lại sẽ có những người sẽ dần nhạt nhòa và trôi qua khỏi giấc mơ của mình, thế giới của mình, vậy thì hà cớ gì ta lại phải nhớ và buồn về họ như hôm nay. Nhưng cũng có những người mình trân trọng cất giữ những khoảnh khắc, những kỷ niệm về họ trong "ngăn kéo cuộc đời", để thỉnh thoảng uống một tách trà, nhớ về những tháng ngày đã qua mà nụ cười nở ở trên môi. Vậy là không lãng quên quá khứ, vẫn sống cho hiện tại. Vậy là đủ đầy, là hạnh phúc rồi, phải không bạn của tôi?

TẬP THỞ LÚC BÌNH YÊN, ĐỂ THỞ YÊN BÌNH TRONG NGHỊCH CẢNH.

Người kể chuyện trà vẫn thường dùng hơi thở của mình để làm phân định cho việc pha trà. Thường cứ sau bảy lần thở, trà được hãm trong nước nóng sẽ ra đủ vị và thơm ngon. Người kể chuyện trà cũng đã từng nghe lời Đức Phật dạy:”Tuổi thọ của sinh mệnh chỉ dài như một hơi thở”. Khi thưởng thức hơi thở của mình một cách sâu sắc, ta sẽ thấy những gì cuộc sống đã ban cho ta, tất cả đều là quà tặng hạnh phúc. Từng phút, từng giây ta hãy biết trân quý hơi thở của mình.
Biết là vậy, thẳm sâu là vậy, thế nhưng Người kể chuyện trà chưa từng thật sự trân quý hơi thở của mình, dù quá thừa hiểu rằng hơi thở là quan trọng và ta sẽ không thể tồn tại nếu thiếu đi hơi thở. Bởi vốn dĩ, cái việc hít vào thở ra, nó đang diễn ra từng phút từng giây kia, lại quá đỗi bình thường và dễ dàng. Nó đơn giản đến mức ta không màng quan tâm đến nó, khi cuộc sống còn quá nhiều những nỗi lo toan khác.

...Cho đến một ngày, Người kể chuyện trà gặp tai nạn và nằm trong phòng cấp cứu của một bệnh viện. Toàn thân không thể cử động, mí mắt sụp xuống chỉ thấy một màu đen tối. Cổ họng nghẹn lại vì cái ống thở dài ngoằng thọc sâu vào bên trong. Phải chi lúc này Người kể chuyện trà được mê man thì hay biết dường nào, nhưng không, đầu óc vẫn tỉnh táo trong một thân thể bất động và đau đớn. Bất chợt, Người kể chuyện trà bỗng thấy nghẹt thở, mọi việc cố gắng hít vào đều vô ích dù cái máy thở vẫn đặt đúng vị trí của nó. Người kể chuyện trà hốt hoảng nghĩ:”Máy thở vẫn nghe tiếng chạy đều, sao ta lại không thở được, hay là máy bị hư, hay là máy hết oxi…”.

Trong cơn hoảng loạn, Người kể chuyện trà muốn gào lên:”Tôi không thở được, cứu tôi với”, nhưng cái ống thở chẹn ngang miệng và nằm sâu trong cổ họng kia thì làm sao mà kêu, làm sao mà gào. Người kể chuyện trà muốn đạp tung tất cả, muốn vung tay khua khoắng để mọi người chú ý đến mình mà giúp đỡ, nhưng bao cố gắng, vẫn không thể cử động nổi dù chỉ nhấc nhẹ một ngón tay. Thậm chí cái ý nghĩ:”Ai bán cho tôi một hơi thở, bạc vàng nào tôi cũng mua” thoáng qua trong phút chốc.

Tuyệt vọng, Người kể chuyện trà nằm im và đón chờ cái chết. Lòng chợt bình thản lại vì nghĩ rằng chỉ cần chờ vài phút thôi, khi hơi thở không còn nữa, mọi sự khó chịu và đau đớn sẽ được giải thoát. Đứng trước ngưỡng cửa của sự sống và cái chết, Người kể chuyện trà nghe rõ tiếng nhịp tim mình đập hòa với tiếng kêu...tít tít của chiếc máy đo trên đầu nằm. Người kể chuyện trà chờ đợi, chờ đợi… và chờ đợi, cộng với cảm nhận từ từ cái khoảnh khắc sau cùng. Có giây phút nào lại dài hơn giây phút này, thời gian trôi qua như vô tận, nhưng sao lòng lại bình thản đến lạ.

Và rồi, trong cái bình thản ấy, Người kể chuyện trà cảm thấy một làn hơi nhẹ nơi cổ họng. Đón lấy nó, Người kể chuyện trà thấy dễ chịu và bắt đầu cảm nhận dần hơi thở. Lúc này đây, Người kể chuyện trà nhận ra rằng càng dãy dụa thì hơi thở lại càng tan biến, chỉ có nằm im, dịu lòng lại và hơi thở sẽ đến từ từ. Một chút, một chút thôi nhưng đều đều và dịu êm. Một dòng nước mắt ứa ra từ đôi mắt là cái việc duy nhất mà lúc này Người kể chuyện trà có thể làm được...Khi biết mình vẫn sống.

Bạn của tôi, có những điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống mà không phải ai cũng chịu hiểu, chịu nghe, cho đến khi trải qua rồi thì mới Ngộ mới Thông. Một điều bình thường như hơi thở cũng cho ta nhiều bài học quý. Tập thở trong lúc bình yên, để thở yên bình trong nghịch cảnh là điều luôn phải luyện tập hằng ngày. Những câu chuyện của Người kể chuyện trà không phải là một lời chỉ dẫn, vì Người kể chuyện trà sẽ không giỏi hơn hay tài năng hơn các bạn, chỉ là Người kể chuyện trà kể lại những câu chuyện mình trải qua để chia sẻ cùng các bạn. Mong đem đến cho các bạn những câu chuyện rất đời và rất thật. Ví như: những điều bình thường nhất, có thể thường ngày đối với ta không quan trọng, nhưng đến một lúc nào đó, nó lại là điều giúp ta tồn tại. Ví như: Hãy trân quý từng hơi thở của mình ngay cả khi ta còn khỏe mạnh... Vì còn thở được...thì đó chính là hạnh phúc.

In bài viết

Đánh giá

HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên

https://trathainguyen.net.vn

https://trathainguyentancuong.vn

https://trahoalai.vn

 

 


ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com

  • Văn Phòng Hà Nội: 603 Nguyễn Văn Giáp, Mỹ Đình, Hà Nội. 
Đang truy cập: 151
Trong ngày: 974
Trong tuần: 3478
Lượt truy cập: 3788055
1
Bạn cần hỗ trợ?