Sản xuất manh mún, không đạt quy chuẩn
Cách thức trồng, chế biến chè hiện không tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng, chưa kể tới chuyện tranh mua – tranh bán nguyên liệu là một trong những bất cập của ngành sản xuất chè.
Theo Hiệp hội chè Việt Nam, trước đây, nông dân thu hái chè búp tươi khoảng 20 lá, nhưng nay người dân cắt cả… cành, không theo tiêu chuẩn chung. Quy chuẩn về nguyên liệu, máy móc, vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhiều nhà máy có quy mô nhỏ không được kiểm tra, giám sát nên chất lượng chè vẫn là vấn đề bất cập.
Ông Nguyễn Hữu Tài- Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết, mỗi năm, ngành chè phải chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, thiệt hại này là do ngành chè chưa thực hiện được đúng luật tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên liệu, cách thức chế biến, tiêu thụ do nhà nước ban hành.
Theo ông Tài, hiện nay, các địa phương tạo điều kiện cho nhiều nhà máy chè “mọc lên” nên tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu, xuất khẩu thường xuyên xảy ra. Điều này dẫn dến sản xuất, kinh doanh chè không ổn định và giá cả bấp bênh. “Một DN đã đàm phán được giá xuất là 3 USD, vài hôm sau DN khác đã hạ thấp xuống khoảng 2 USD, thế là mất bạn hàng, trong khi chất lượng chè của các DN là như nhau", ông Tài nói.
Thu hái chè tại vùng chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng- Phó chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho hay, hiện nay, thị phần xuất khẩu chè Việt Nam vào các nước phát triển vẫn còn khá thấp. Ít doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn của các nước đề ra. Cùng với đó, các sản phẩm chè mới chỉ được xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu; thương hiệu vẫn còn hạn chế.
Theo bà Hồng, nguyên nhân làm chất lượng chè Thái Nguyên chưa được tốt là do việc chăm sóc cây chè không đúng cách dẫn đến chúng ta không thể thu hoạch dài hạn cũng như nâng cao chất lượng của sản phẩm.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi
Thách thức lớn của ngành chè đang phải đối mặt là phải thay đổi hình ảnh, thay đổi tư duy sản xuất cũng như thay đổi về mặt thể chế quản lý. Do đó, sản xuất theo chuỗi là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng và tạo ra thương hiệu cho ngành chè Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng cho rằng, cần giới thiệu các sản phẩm đặc sản chè của Việt Nam đến với các thị trường, người tiêu dùng. Đồng thời, Hiệp hội chè Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Bộ đưa ra những quy định tốt hơn về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như đưa ra những hỗ trợ trong việc đào tạo người nông dân.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành chè Việt Nam, ông Tài cho rằng, giải pháp nền tảng là cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện nay, Ban Chỉ đạo phát triển chè bền vững và Hiệp hội chè Thái Nguyên - Việt Nam đã khuyến cáo các địa phương phân chia vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn liền với người nông dân.
Trong đó, Nhà nước cần đứng ra phân vùng nguyên liệu để các nhà máy có trách nhiệm với nông dân, còn nông dân gắn bó với nhà máy, cung ứng đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần có những DN, tập đoàn lớn, đủ mạnh tham gia để đưa ngành chè phát triển và xây dựng được thương hiệu chè cho Việt Nam. Qua đó, biến bán nguyên liệu từ dạng tư liệu sản xuất thành bán thành phẩm tư liệu tiêu dùng, nâng cao giá trị sản xuất.
Đánh giá
HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
https://trathainguyentancuong.vn
ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com
<