Câu chuyện đời của Đá
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Giỏ hàng (
)
che-thai-nguyen_tra-thai-nguyen_tan-cuong_bn

Câu chuyện đời của Đá

Trà Thái NguyênCÂU CHUYỆN "ĐỜI" CỦA ĐÁ.

1.
Em đeo một chiếc vòng đá quanh năm. Chiếc vòng chắc đã được đeo lâu lắm rồi nên lên nước bóng.
Có lần tôi hỏi em, rằng sao không đeo một chiếc vòng khác, đeo đá hoài em không chán sao?
Em cười, nhìn xa xăm: em có thể mua được chiếc vòng chất liệu khác, nhưng em thích ngắm nhìn những viên đá như thế này, bởi nó là một chút kỷ niệm của quê mẹ, và còn vì, em thấy lòng mình lắng lại khi ngắm sắc màu của đá như thế này. Em thấy rộn ràng yêu thương.


ch_thi_nguyn_tn7

2.
Ngôi nhà nhỏ của tôi có những khoảnh sân bao bọc. Thuở bé, bọn trẻ quanh nhà vẫn thường rủ nhau đi nhặt sỏi mang về cất như một "gia tài". Sỏi để chơi ô quan. Sỏi để chặn những chiếc lá mít vốn được xem là "tiền". Sỏi để sắp thành những hình thù ưa thích. Tôi thích xếp sỏi dọc thành cửa sổ (nhà rất nhiều cửa sổ). Chị lại thích chắt chiu những viên sỏi xinh xinh và cất vào hộc tủ. Có lần, đi chơi từ cực Nam của tổ quốc về, chị mang một ít đá về, thận trọng cất vào tủ trang trí cạnh những khung ảnh xinh xinh, còn một ít, chị đặt lên thành cửa sổ bên cạnh những viên sỏi của tôi.
Có nhiều hôm, chị buồn, chị mang những viên đá nhỏ xinh ra sân, áp đá vào tai, mắt nhìn những viên đá nho nhỏ khác trên thành cửa sổ. Tôi đi theo tò tò: chị nghe gì, thấy gì từ những viên đá kia?
Chị cười thật hiền: là chị ngắm thiên nhiên, là chị lắng nghe tiếng đời vọng lại.
Tuổi trẻ, nghe không hiểu mấy, tôi chỉ cười, rồi cũng quên câu chuyện sỏi đá.

3.
Trong thành phố, có những cửa hàng đá chất đầy những "tác phẩm" từ đá và cả những khối đá xù xì chưa được gọt giũa đẽo tạc thành hình.
Một ngày, hai chị em đi tân gia nhà mới của người quen. Trong những ngôi nhà mới xây với kiến trúc "độc đáo", có nhiều cột đá đã từ giã núi rừng hoang sơ để tiến về đồng bằng, góp phần mang thiên nhiên hoang sơ về với chốn thị thành nhộn nhịp. Về đến nhà, uống chưa hết tách trà để đã cơn khát, tôi không ngăn được sự trầm trồ cố nén: chắc là anh chị ấy tốn kém lắm đây với những hòn đá, cột đá to đẹp thế này, có khi tiền vận chuyển từ xa về còn hơn cả tiền mua đá! Cuộc sống ngột ngạt, thiên nhiên dần xa con người quá rồi nên họ muốn đưa thiên nhiên về lại đây!

Chị vẫn trầm ngâm, mắt vẫn không rời những viên đá trên thành cửa sổ: sẽ là một sự lãng phí nếu chỉ phá núi lấy đá từ nơi xa mang về chốn thị thành này để trang trí mà không dành đủ thời gian lắng lòng lại, ngắm thiên nhiên tươi đẹp thật sự, hiểu được "linh hồn của đá".

Tôi khẽ khàng: đã bao giờ chị thấy đá nở hoa chưa?
Nhấp một ngụm trà từ chiếc tách đã nhiều năm tuổi, chị chậm rãi: chị thích lắng nghe tiếng vọng từ thiên nhiên, ví như từ những hòn đá thô sơ nhỏ xinh mà chị, em đã mang về từ nơi nào đó trên đất nước này ấy. Chúng đã sống, đã nhìn thấy, đã chất chứa bao đổi thay, bao câu chuyện. Lắng nghe đá, ngắm nhìn chúng, như nhận về nhiều câu chuyện của những đời sống riêng. Chị cũng không biết nếu mình cứ ngắm đá hoài thì đá có nở hoa như truyền thuyết nào đó không. Nhưng chắc chắn rằng, nếu một ngày nào đó trái tim em không thể làm cho những lời em thốt ra như hoa nở, nếu một ngày nào đó trí tưởng tượng cũng bỏ em mà đi thì em sẽ như một viên đá không hồn, một viên đá trang trí không hơn không kém!

Tách trà trên tay tôi khẽ chao nghiêng. Nước trong tách trong vắt màu hổ phách.
Bất giác, tôi như soi mình vào làn nước trong vắt rất đỗi thân thuộc ấy. Và, thật nhẹ nhàng, tôi hướng mắt nhìn về những viên đá nhỏ xinh vẫn nằm trên thành cửa sổ bao nhiêu năm qua. Áp một viên đá lên tai, tôi như nghe tiếng rì rào của gió, tiếng vọng lại của núi rừng.

Ngày mai, trí tưởng tượng vẫn sẽ còn tung bay.
Ngày mai, mình vẫn sẽ còn những lời nói được thốt ra đầy thận trọng.
Ngày mai, "sỏi đá cũng cần có nhau"...

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG YÊU THƯƠNG KHÔNG CHỈ BẰNG LỜI...

Có những người, cả đời rất khó khăn để có thể thốt ra được những tiếng nói thầm kín của mình: về một tình yêu dành cho ai đó, về những mong muốn bắt nguồn từ yêu thương, về những nghĩ suy của đời người …

Có lẽ sẽ thật may mắn, nếu bạn, hay tôi - chúng ta có thể viết ra được những gì mình suy nghĩ và muốn chia sẻ cùng người mình quý mến, thương yêu. Như những lời yêu thương gởi đến đấng sinh thành cho những tháng ngày sinh, dưỡng. Như lời cảm ơn dành cho quý thầy cô, bằng hữu … những người đã cho ta tri thức, lời khuyên, chia sẻ những điều mà đôi khi ta ngại không muốn sẻ chia với gia đình. Như những trìu mến thiết tha mà ta muốn nói với người ta thương, hay sau này là với những đứa con của mình …

Nhưng, vốn dĩ người ta bảo, có những yêu thương khó thốt nên lời … huống hồ chi, không phải ai sinh ra đời cũng được trời phú cho khả năng viết lách, tỏ bày … Lắm khi chúng ta vụng về, không biết làm chi, chẳng biết nói gì … Rồi những sớm mùa thu nắng trôi qua tay, quyển sổ lưu niệm mở ra trước mặt … cây bút nhỏ xoay xoay mãi mà vẫn chưa thể nguệch ngoạc dù chỉ ít dòng … Lại có những buổi sáng mùa se se lạnh, tách trà nóng trên tay nhẹ hững rồi mà trang blog vẫn chỉ được vài chữ trôi qua …

Có lần, anh bạn lâu năm đến chơi nhà, thấy tôi đang viết vài cảm xúc vụn vặt trên Facebook, giọng anh ấy bỗng não nề: này, tôi làm hẳn cái Facebook cho thằng con rồi, nhưng chẳng biết viết gì ngoài vài cái ảnh của nó từ lúc mới sinh đến giờ … Muốn viết gì đó để lưu giữ tình cảm này cho nó, để mai này lớn lên nó hiểu … Giờ, viết làm sao!
Tôi rót cho bạn tách trà, bảo uống đi rồi tôi "chỉ cách" cho mà làm. Mặt bạn giãn ra, vui như đứa trẻ.
Chừng hết một tách trà Tân Cương Thái Nguyên ngon, bạn rót thêm tách nữa, thưởng thức, rồi khá lâu sau mới lại khẽ khàng: chỉ cách cho tôi đi nhé!

Chút nắng chiều vẫn còn le lói chiếu qua tán cây trước nhà. Tôi cũng rót thêm cho mình một tách trà nữa: anh không cần phải viết nhiều viết hay văn tuôn như suối trên Facebook thì sau này thằng bé mới biết anh thương nó đến chừng nào! Tình cha con vẫn là thứ tình cảm riêng tư mà ta không nên rập khuôn ở cách tỏ bày. Anh có thể sưu tầm đâu đó những câu chuyện hay về tình cha con, hay những câu nói thương yêu dành cho một đứa trẻ. Facebook anh lập cho con rồi sẽ đầy ắp "thương yêu" trên đó. Nhưng, nếu đời thường anh không thể dành đủ thời gian cho con, làm một người bạn đi cùng một đoạn đường với nó nhất là những năm đầu đời, làm cho nó cảm thận thật sự anh yêu thương nó như bất cứ người cha nào trên thế gian này … thì Facebook kia có bao nhiêu lượt comment, bao nhiêu cơn bão "like" cho những tấm hình đẹp đẽ, những câu chuyện hay ho, những video cảm động … cũng không thể khiến đứa bé sau này thật sự cảm nhận được tình cha con vốn thường ít được xưng tụng hơn tình mẫu tử …

Có những thương yêu, trân quý không thể thốt nên lời, nhưng với những hành động thật sự giữa đời thường, người này sẽ cảm nhận những tình cảm của người kia dành cho mình một cách khác biệt.
Khuôn mặt anh bạn bỗng chốc sáng bừng lên. Ừ nhỉ, ta yêu thương con mà, đâu nhất thiết phải tỏ bày cho cả thế gian. Chỉ cần con biết, con hiểu là được rồi phải không! Mà đôi khi, những tỏ bày ấy không phải bằng lời.

Tôi ngắm từng đàn chim sẻ rít rít bay về tổ, kết lại một buổi chiều đẹp trời: cũng như, anh không mở miệng khen trà ngon, nhưng cách anh tận hưởng những tách trà từ khi anh đến chơi đến bây giờ … làm tôi tin rằng ấm trà tôi pha hôm nay đã đủ đầy cho một cuộc hàn huyên, chia sẻ … Vậy nên, blog có viết không hay, Facebook có ít like ít comment … thì cũng đừng băn khoăn. Hết ấm trà này, thì dành thời gian chơi đùa cùng thằng bé, nặn tò he, chơi thả diều, cờ trí uẩn … Đó là lúc lời nói, những bài viết, nhường chỗ cho những yêu thương thật sự trong đời...

CÂU CHUYỆN VỀ MÁI NHÀ THÂN THƯƠNG

Có một ngày, em buồn bã thả lên tường FB những dòng chữ: "Giá như không phải về nhà …"
Xen lẫn những comment "Sao vậy?" là lác đác những dòng an ủi.

Tôi biết em buồn, vì đâu đó người ta bảo nên "đọc giữa những dòng chữ", để còn hiểu những ý của người viết ngoài những gì hiển hiện trước mắt.

Hẹn em ra một quán nhỏ gần chỗ làm. Em đến. Sau những phút đăm chiêu, em cầm điện thoại lên, lẳng lặng xóa dòng trạng thái đã viết cách đó không lâu. Em cầm tách (trà) chè Thái Nguyên thứ hai bằng cả hai tay, không nén được tiếng thở dài: giá mà em về nhà cũng thấy ấm áp như cảm giác khi uống tách trà khi nãy …

Tôi im lặng. Chiếc quạt trần vẫn quay tít trên cao, xoáy những vòng xoáy đều đều, trăm lần như một. Trong không gian nho nhỏ của tầng lửng này, những tiếng rì rầm nho nhỏ của từng bàn khách … tạo nên không khí sinh động mà không ồn ào. Dường như khách đến đây để tìm cho mình những gì không đóng khung, không cũ kỹ, không lặp lại. Cũng có thể có người giống như em: đến một nơi xa lạ để thoát khỏi cảm giác ngột ngạt ở một chốn đã quá quen.

Tôi cố lục lọi cho mình những ý niệm về "nhà".
Nhà của tôi là những góc sân, những khoảnh vườn nhiều cây xanh cho bóng mát, cho cả trái ngọt hoa thơm. Nhà của tôi là những ngày mưa gió, mấy anh chị em túm tụm trong phòng, chơi đủ trò chơi trẻ con. Nhà của tôi là những chiều ngồi lan can ngóng ba mẹ về. Nhà của tôi còn có cả những lần "tranh luận" cùng Ba hay vùng vằng với Mẹ vì sự chăm sóc quá chu đáo của Người (tuổi trẻ thường muốn chứng tỏ mình đã có thể tự làm mọi thứ, ngại ngùng với cà-men cơm mang theo đến sở làm, ngại ngùng cả với những cuộc gọi từ nhà khi đã quá giờ cơm mà con vẫn chưa về …)

Nhà của bạn là những ngôi nhà cấp 4 của một xóm lao động giữa lòng thành phố, nơi thừa những ồn ào nhưng không thiếu những sẻ chia.

Nhà của chị - người xa quê là những chấm nhỏ rõ mồn một trên Google Maps, nơi có những dòng kênh nhỏ chảy qua giữa lòng Hòn ngọc viễn Đông một thời, nơi có ai đó vẫn còn chờ đợi ..

Nhà của em? Có lẽ hàm chứa những nỗi buồn. Nỗi buồn của lẻ loi vì lọt thỏm giữa những phòng ốc rộng rãi, những tiện nghi thoải mái … mà vắng tiếng người, vắng những nụ cười, vắng sự xích lại gần nhau của những người cùng ruột rà máu mủ …

Em vẫn cúi mặt, lặng thinh. Rồi những giọt nước mắt nóng hổi rơi ra, hòa chung với nước trà trong tách:
- Em có cần gì đâu ngoài việc thỉnh thoảng được tỏ bày, nhưng sao mà khó quá! Có hôm em muốn giữ một ai đó bất chợt gặp trên đường, trong công viên tập thể dục … chỉ để nói với họ những điều em không có cơ hội bày tỏ trong gia đình … Mà cũng không can đảm …

Tôi mở chiếc máy tính xách tay ra, chạy một video clip ngăn ngắn, nơi đó những cây xanh tình yêu được lớn lên và trổ hoa nhờ sự tưới nước, chăm bón của nhiều người trong gia đình. Em bé nhỏ cũng chăm cây, ông, bà cha mẹ, vợ chồng … mỗi người dành chút thời gian chăm cây … Ai nấy đều hạnh phúc. Cây cần nắng thì được đặt ở nơi có nắng chan hòa, cây không hợp nắng thì bóng râm là nơi trú ngụ.

Em ạ, ngôi nhà của mỗi người ấy, nó chỉ là phần cứng như phần cứng của chiếc máy tính này. Nếu không có sự chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu thì gia đình cũng như chiếc máy tính chỉ có xác máy mà không có chương trình. Cái dụng sẽ chẳng còn gì, cái lạnh lùng sẽ lên ngôi. Mà, sự chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu đó không thể tự nhiên mà có, không thể người này chờ người kia học được phép thần thông ở đâu mà mang chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu về với gia đình.
Nếu đủ gió thì chong chóng ắt sẽ quay, ta sẽ vui với những sắc màu …, còn nếu đủ yêu thương thì hạnh phúc sẽ vào nhà bằng nhiều cách, kể cả cửa chính cửa sổ đều đóng chặt.

Em không thể buông xuôi bằng việc ngồi đó, viết những dòng tâm trạng rồi lại xóa đi, rồi mải miết kiếm tìm nơi nào khác để mong bình an … Thay vào đó, em hãy bắt đầu từ bản thân mình: những nụ cười, mười lăm phút đối mặt … có thể đong đầy nước mắt, cũng có thể bắt đầu bằng những cái nắm tay người thân yêu trong gia đình … Cây xanh kia cần được chăm sóc đúng cách thì mới lớn lên. Bình an, hạnh phúc không thể bắt đầu bằng sự buông xuôi, mặc kệ. Trao đi sự trái tim chia sẻ, trao đi cái ôm vụng về, trao cả lời chưa bao giờ nói: con yêu mẹ/ con yêu ba … Những gì từ trái tim rồi sẽ đi đến trái tim thôi mà …

Em ngước lên, tay run run quệt vội nước mắt: để rồi nhà sẽ là nơi ta lưu luyến khi xa và hát ca khi được trở về, phải không anh?

VÌ YÊU THƯƠNG... CŨNG CẦN PHẢI HỌC MÀ!

Một năm - 365 ngày, gần như tháng nào cũng có một ngày nghỉ lễ hay một sự kiện đặc biệt nào đó của mỗi người. Có lẽ vì thế mà phố phường thường tấp nập, đông vui. Hàng quán, cửa hiệu thường rất ít nghỉ lễ để phục vụ khách hàng. Và sau những ngày dài bận rộn ném mình vào những cuộc mưu sinh, ai cũng mong muốn sử dụng thời gian rỗi thật hữu ích, thật đáng quý. Người vác ba lô lên đường về quê thăm mái ấm đầy kỷ niệm của thời niên thiếu. Người vác ba lô đi đến những miền đất mình chưa đặt chân tới bao giờ với tất cả sự háo hức khám phá nét văn hóa, phong cảnh và con người … Người hành lý gọn nhẹ đến thăm lại một điểm dừng chân nào đó từng khiến mình say lòng, hay có quá nhiều kỷ niệm … Người chọn ở lại thành phố để làm những việc trong kế hoạch cá nhân, tụ họp bạn bè, hay đơn giản là thưởng cho mình những giấc ngủ thật ngon. Người dành chút thời gian sum họp gia đình, vào bếp nhiều hơn, chăm chút mấy cây con đang ra lá, rồi thảng thốt giật mình trước nét thời gian hằn sâu lên tóc bà, tóc mẹ …

“Không có thời gian” - có lẽ đây là lý do mà bạn, hay tôi, hay khá nhiều người khác dùng để lý giải vì sao đã lâu mình không đi đâu ngoài công việc, đã lâu mình không có được những lúc đối xử tốt với bản thân mình. Bạn ơi, hãy nhìn mọi việc đơn giản hơn, chúng ta sẽ có thêm nhiều lần hạnh phúc ấy. Đừng chờ đến lễ lạt thường kỳ, thay vào đó, sớm trước khi đi làm, giờ nghỉ giữa giờ làm việc, một chút thời gian buổi xế, hay vài mươi phút sau giờ làm việc, thử tận dụng cái gọi là “giải lao định kỳ” ấy thật sự, đừng tiếc chi mà không dành cho mình một ít thời gian.

Có lẽ, một số bạn sẽ hỏi: mười phút, hai mươi phút thì làm được gì.
Không đâu bạn ơi! Mười phút, hai mươi phút ấy nó mới thật diệu kỳ. Thả lỏng cơ thể, nhấm nháp chút bánh ngọt, vài ba chiếc kẹo dẻo, uống một tách trà thơm ngát, hay một ly trà đá mát lạnh giữa mùa nóng cũng được, phóng tầm mắt ra khỏi bốn bức tường quen thuộc, nhìn cây lá rung rinh, vài cánh hoa đùa trong gió … hay đơn giản hơn là để đôi chân thong dong đi lại trên hành lang, trong sân nhà nho nhỏ, hay trên những con đường đâu đó bạn yêu. Và bạn biết không, chỉ khi bạn yêu thương chính bản thân mình bằng những hành động nho nhỏ, bạn mới có thể thuyết phục người khác rằng bạn sẽ có thể dành tình yêu thương cho họ trong cuộc đời này.

Ai đó bảo, hãy tập nhận ra giá trị của bản thân mình, nhận ra giá trị của những người xung quanh: người thân, đồng nghiệp, bạn bè. Không có nhiều thời gian dành cho nhau, vẫn có những phút giây mỗi người được tự do trong không gian của riêng mình, nhưng chắc chắn một điều rằng những khoảnh khắc trải nghiệm cùng nhau là những khoảnh khắc đầy ý nghĩa.

Trò chuyện với chính mình theo nghĩa tích cực, để sửa mình theo hướng tích cực hơn.
Trò chuyện với những người quanh bạn, để hiểu có những khi nói ra sẽ giúp ta dễ chịu hơn cứ mãi chất chứa trong lòng.

Một ấm trà ngon, một bàn cờ nhỏ, một đề tài bất kỳ giúp trí não hoạt động, đầu óc tư duy … cuộc sống đẹp lắm, bạn ạ!
Một hôm nào đó, mời bạn thử xem!

Đánh giá

HỢP TÁC XÃ TRÀ XANH THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: SN38, Ngõ 288 Đường CMT8, Tổ 21, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên

https://trathainguyen.net.vn

https://trathainguyentancuong.vn

https://trahoalai.vn

 


ĐT: 0988.925.926 - Email: htxtraxanhthainguyen@gmail.com

  • Văn Phòng Hà Nội: 603 Nguyễn Văn Giáp, Mỹ Đình, Hà Nội. 
Đang truy cập: 161
Trong ngày: 177
Trong tuần: 730
Lượt truy cập: 2194446
1
Bạn cần hỗ trợ?